Thả hơn 5 tấn cá xuống sông Hậu để tái tạo nguồn cá tự nhiên

Thả hơn 5 tấn cá xuống sông Hậu để tái tạo nguồn cá tự nhiên

MTĐT –  Chủ nhật, 11/09/2022 08:52 (GMT+7)

Ngày 10/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã phối hợp cùng Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang – Cần Thơ – Đồng Tháp.

Thả cá xuống sông Hậu để tái tạo nguồn thủy sản tự nhiên.
Thả cá xuống sông Hậu để tái tạo nguồn thủy sản tự nhiên.

Khu vực thả cá trên sông Hậu đoạn qua phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Số lượng cá thả gồm 5 tấn cá thịt và hơn 600.000 con cá giống các loại, trong đó, có nhiều loài cá quý, hiếm là cá bản địa có giá trị kinh tế cao đang giảm sút trong tự nhiên cá hô, cá vồ cờ, cá tra dầu, chạch lấu, cá cóc, cá bông lau.

Nguồn kinh phí thả cá trị giá hơn 1,5 tỷ đồng do Tổng cục Thủy sản đóng góp 270 triệu đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang đóng góp 114 triệu đồng; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh góp gần 1,1 tỷ đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ đóng góp 100 triệu đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp đóng góp hơn 55 triệu đồng…

Để bảo vệ nguồn cá giống thả xuống sông Hậu sinh trưởng tốt, Ủy ban nhân dân các tỉnh An Giang và Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ đã yêu cầu người dân không đánh bắt, khai thác thủy sản gần khu vực thả cá từ nay đến hết ngày 15/9/2022.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết, từ năm 2012 đến nay, tỉnh An Giang đã được các ngành, các cấp cùng 3.635 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và các tín đồ tôn giáo ủng hộ hỗ trợ thả tái tạo trên sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao trên 164 tấn cá thịt và hơn 4 triệu con cá giống là cá bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng.

Tại lễ thả cá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm phát động phong trào thả cá với phương châm “Chung tay bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cho thế hệ mai sau”; hướng tới việc khai thác hợp lý, hiệu quả, ổn định và bền vững; không sử dụng ngư cụ đánh bắt mang tính hủy diệt và đánh bắt các loài thủy sản cấm khai thác”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích