Tết Việt trong mắt người nước ngoài
Tết gì mà vui quá vậy!
12 năm kể từ lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam du học, chàng trai người Palestine – Saleem Hammad với khả năng sử dụng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ, hiện đang làm việc tại Đại sứ quán Qatar. Anh cũng từng là Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của thành phố Hà Nội năm 2019. Không chỉ vậy, Saleem còn là Youtuber và Tiktoker nổi tiếng tại Việt Nam. Chia sẻ khi sinh sống tại Hà Nội, Saleem Hammad cho biết, khi nghe hai tiếng “Hà Nội” như có gì đó chạm vào con tim, khiến anh thổn thức và rung động lạ thường. Không sinh ra và lớn lên tại đây, nhưng không biết từ bao giờ với Saleem Hammad, Hà Nội chính là quê hương thứ hai, bởi đó là nơi anh đã được học những chữ tiếng Việt đầu tiên.
Anh Saleem Hammad |
Là người Palestine sống tại Việt Nam, Saleem Hammad đã đi hết những trầm trồ này đến những ngạc nhiên khác khi trải qua gần 12 cái Tết Việt. Saleem Hammad chia sẻ: “Với mỗi năm tôi lại có sự cảm nhận về ngày Tết khác nhau, nhưng có thể nói rằng, càng ngày tôi càng cảm nhận rõ nét và hiểu hơn rất nhiều về phong tục, tập quán của người Việt, điều mà ở cái Tết đầu tiên tôi chưa thể cảm nhận được, cũng bởi ngày đó trình độ tiếng Việt cũng như sự hiểu biết của tôi về văn hóa và phong tục tập quán của người Việt Nam còn rất khiêm tốn. Với tôi, cái Tết đầu tiên đó là cả một bầu trời của sự ngỡ ngàng, lạ lẫm, cảm giác khác biệt xen lẫn tò mò, khó hiểu.
Không khí sôi động và hân hoan của dịp Tết Nguyên đán mà tôi có thể thấy được rõ nét nhất là vào những ngày giáp Tết, khi đi cầu nguyện tại Thánh đường Hồi giáo số 12 Hàng Lược, vào thời điểm này người người bỗng trở nên vội vàng, tấp nập chuẩn bị, sắm đồ đón Tết vô cùng náo nhiệt và rộn ràng, đặc biệt là từ ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch) trở đi, tức là ngày tiễn ông Công, ông Táo… Rồi người ta cũng tấp nập đi mua hoa đào, cây quất để mang về trưng diện trong nhà, sau đó trang trí chúng bằng những dây đèn lấp lánh và những đồ mang đậm văn hóa phương Đông với màu đỏ, vàng là hai màu chủ đạo, thể hiện hạnh phúc và may mắn.Quả thực, tôi trông rất bắt mắt, khơi gợi cảm giác ấm áp và an toàn khi được trở về nhà, đặc biệt là trở về nhà vào dịp Tết đoàn viên”.
Saleem Hammad cũng chia sẻ cảm giác may mắn khi có được rất nhiều trải nghiệm và kỷ niệm với bánh chưng. Anh đã được trải nghiệm gói khá nhiều loại bánh chưng ở Việt Nam và tin rằng không phải người Việt Nam nào cũng có được nhiều trải nghiệm gói bánh chưng như anh, vì xã hội ngày càng hiện đại, con người cũng bận rộn hơn, dịch vụ bán bánh chưng gói sẵn đã trở nên quen thuộc. Anh cũng bày tỏ tiếc nuối khi chưa từng nếm thử các loại bánh chưng do chính tay mình gói vì không ăn được thịt lợn, và điều đó đã khiến anh nảy ra ý định: Gói bánh chưng bằng thịt cừu. Vào ngày Tết ở Palestine sẽ không có bánh chưng giống như Việt Nam nhưng cũng có bánh truyền thống là bánh Eid, một loại bánh ngọt giống bánh Trung thu của Việt Nam nhưng nhân bánh được làm từ quả chà là.
Sau 12 năm sinh sống, học tập và làm việc tại nơi đây, Saleem Hammad nhận ra rằng Tết Việt Nam và Tết Palestine có một vài điểm tương đồng như: Dọn dẹp trang trí nhà cửa; chế biến rất nhiều món ăn truyền thống; sum họp đoàn tụ các thành viên trong gia đình; diện đồ thật đẹp đi thăm viếng người thân, bằng hữu, hàng xóm láng giềng; mừng tuổi cho người già, trẻ em bằng tiền lì xì….
Cũng giống như Việt Nam, Palestine cũng có ý nghĩa của những ngày Tết như: “Mồng 1 Tết Cha – Mồng 2 Tết Mẹ – Mồng 3 Tết Thầy”. Điểm khác biệt nằm ở chỗ: Thời điểm Tết của 2 dân tộc khác nhau. Tết Việt thường diễn ra cố định vào mùa đông – xuân, tầm khoảng tháng 1 – 2 dương lịch hàng năm, còn Tết Palestine được tổ chức sau Tháng Lễ Ramadan, thời điểm không cố định mà luân phiên tuần tự vào các mùa được tính theo lịch đạo Hồi, và vì thế người Palestine có thể đón Tết vào các mùa khác nhau, mỗi mùa Tết sẽ có sự thú vị riêng và vô cùng đặc biệt.
Tăng thêm sự gắn kết
Thật vậy, Tết Nguyên đán không chỉ có ý nghĩa với người Việt Nam mà còn để lại trong lòng nhiều người nước ngoài những ấn tượng khó phai, nhất là những sinh viên Campuchia đang sống và học tập tại Thủ đô, họ đều có một điểm chung đó là dành tình yêu đặc biệt cho Hà Nội, con người nơi đây và Tết cổ truyền Việt Nam. Srour Sokpheap, người Campuchia, 23 tuổi và đang học năm thứ 3 ngành Phát triển nông thôn tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Srour Sokpheap được nhận học bổng của Chính phủ Việt Nam.
Du học sinh người Campuchia Srour Sokpheap. |
Dành tình cảm đặc biệt cho Thủ đô, Srour Sokpheap chia sẻ: “Ngày đầu tiên em sang Hà Nội, em đã yêu nơi này vì con người thân thiện, trung thực và nồng ấm, luôn biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Ví dụ, các thầy cô và các anh chị làm việc tại Trường Hữu nghị 80 Sơn Tây hay Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn giúp đỡ em từ ngày đầu tiên em còn bỡ ngỡ bước chân vào trường. Đặc biệt, đồ ăn ở đây rất ngon như phở, bún đậu, bún chả, bánh chưng, bánh tẻ… Ngoài con người và đồ ăn ra, Hà Nội có rất nhiều địa điểm tham quan du lịch như hồ Gươm, Nhà thờ Hà Nội, Chùa Một Cột, Văn Miếu – Quốc Tử Giám… Trong đó, trung tâm thành phố là khu phố cổ nhộn nhịp, nơi có các con phố hẹp được mang tên “hàng” rất thú vị. Có rất nhiều ngôi đền nhỏ và thức ăn đường phố được bán ở đây. Với sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, mỗi lần khám phá Hà Nội, em lại nhận ra những điều hấp dẫn riêng. Đây là lý do em yêu Hà Nội”.
Cảm nhận về Tết cổ truyền, đối với Srour Sokpheap, Việt Nam và Campuchia có khá nhiều nét văn hóa tương đồng. Tết cổ truyền Việt Nam giống Tết té nước Chol Chnam Thmay của Campuchia ở chỗ, trong những ngày Tết, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, con cháu ở xa cũng về để sum họp với gia đình. Mọi nhà đều tất bật sửa sang, quét dọn, trang trí nhà cửa, chuẩn bị những món ăn truyền thống và đặc trưng cho ngày Tết. Vì vậy, những năm đón Tết xa nhà của Srour Sokpheap cũng không quá khác biệt về phong tục và văn hóa, bởi Srour Sokpheap đã xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Nói về sự khác biệt giữa Tết của hai nước thì tại Campuchia không mua hoa mà chỉ dọn dẹp nhà cửa. Còn tại Việt Nam, người dân có thói quen mua hoa để về trang hoàng nhà cửa rực rỡ, hấp dẫn.
“Lần đầu em được đón Tết ở đây em cảm thấy rất vui. Đường phố và các nhà người dân được trang trí rất đẹp. Em cũng được thưởng thức nhiều món đặc trưng trong ngày Tết Việt. Nhưng em thích nhất là bánh chưng, bánh được gói trong lá dong, bên trong có nếp, đậu xanh và thịt mỡ, ăn vào miệng vừa dẻo,thơm, béo ngậy, ăn kèm với món hành muối. Điều thích thú nhất là được tự gói bánh chưng và thưởng thức nó. Ngoài ra, vào những ngày này, em được trải nghiệm đi lễ chùa, mừng tuổi các ông bà, thầy cô và đi chơi ở đường phố Hà Nội. Đặc biệt, đêm Giao thừa có bắn pháo hoa ở Hồ Gươm, trong thời khắc chuyển sang năm mới, được bạn bè mừng tuổi, chúc những lời tốt lành. Lúc đó, em rất xúc động và thấy thiêng liêng lắm”, Srour Sokpheap hào hứng kể.
Giống như nhiều người nước ngoài khác, Srour Sokpheap cũng cảm thấy ấn tượng với việc đi chúc Tết họ hàng, thầy cô và bạn bè nhân dịp đầu năm mới. Một mặt là để gửi những lời chúc tốt đẹp nhân dịp Tết đến Xuân về, mặt khác là cùng nhau ôn lại những kỷ niệm cũ, chia sẻ với nhau những điều đã qua trong một năm vừa rồi, làm tăng thêm sự gắn kết của mọi người. ..
Một chút cảm nhận khác biệt với Srour Sokpheap, đối với Saleem Hammad, Tết Việt mang lại nhiều niềm vui nhưng bên cạnh đó là thấp thoáng của những nỗi buồn man mác, cũng bởi vì thời điểm Tết của 2 đất nước khác nhau, nên đó cũng là lý do, khi ở lại Việt Nam ăn Tết Việt, anh lại thấy nhớ Tết Palestine rất nhiều. Saleem Hammad cũng dễ dàng nhận ra: “Dịp Tết ở Hà Nội, nơi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, vì thế Hà Nội trở thành điểm đến vì có nhiều cơ hội việc làm, dân cư các tỉnh cũng đổ về làm việc, hình ảnh Hà Nội lúc nào cũng đông vui, náo nhiệt thường ngày nhưng lại vắng vẻ, yên bình vào những ngày Tết. Khi người dân các tỉnh cũng lần lượt rủ nhau về quê ăn Tết đoàn viên, để lại Hà Nội với một không gian trầm mặc lạ thường.
Lưu học sinh Campuchia vui Tết Việt tại Trường Hữu Nghị 80 Sơn Tây – Hà Nội. |
Có lẽ vì thế nên mỗi lần bạn bè hỏi: “Tết này Saleem có về nước không?” cũng khiến tôi không khỏi lặng đi, miên man chút buồn. Thực sự, tôi thấy vui cho mọi người vì được hưởng những điều tôi đang không có, cũng vui cho mình vì được nghỉ dưỡng một khoảng thời gian không ngắn cũng không dài sau một năm làm việc miệt mài, được hưởng khoảng không gian lặng lẽ hiếm hoi của Hà Nội vốn ồn ào náo nhiệt. Nhưng có phần nào đó trong tôi lại mang tâm lý nhớ nhà của một kẻ xa quê, mong sớm có thể trở về với gia đình để được hưởng không khí như người Việt Nam đang được đón Tết Việt Nam”.
Với những cảm nhận khác nhau về Tết, nhưng những người nước ngoài sinh sống tại đây dù ở thế hệ nào, độ tuổi và đất nước khác nhau, đều có chung cảm nhận đó là tâm lý hướng về những giá trị truyền thống trong dịp Tết. Bởi vì trên hết, bản thân Tết đã là một sự trở về với cội nguồn. Tết không có định nghĩa cụ thể, nhưng trong tâm trí mỗi người Việt Nam đều là những buổi sum họp gia đình, cả nhà quây quần tụ họp trong những thời khắc đầu tiên của năm mới. Đó là định nghĩa “không thành lời” nhưng luôn rõ nét nhất mỗi khi nhắc đến Tết. Điều đó cũng đúng với các gia đình trẻ hiện nay, dù có lựa chọn những cách đón Tết, ăn Tết, thực hành Tết đơn giản và giảm các thủ tục nhiều hơn so với thời trước, nhưng vẫn luôn giữ một giá trị chung, đó là hướng về truyền thống, cội nguồn, sự đoàn tụ, sum vầy.
Sau 12 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam, Saleem Hammad nhận ra rằng Tết Việt Nam và Tết Palestine có một vài điểm tương đồng như: Dọn dẹp trang trí nhà cửa; chế biến rất nhiều món ăn truyền thống; sum họp đoàn tụ các thành viên trong gia đình; diện đồ thật đẹp đi thăm viếng người thân, bằng hữu, hàng xóm láng giềng; mừng tuổi cho người già, trẻ em bằng tiền lì xì… |
Phương Bùi
Nguồn: Báo lao động thủ đô