Tết nay lại nhớ Tết xưa

Mấy hôm nay có dịp ra đường và lướt qua báo chí, đã thấy Xuân đến thật gần, tươi tắn và hồ hởi là cảm giác đương nhiên, nhưng cùng với đó lại nghe không ít kêu ca phàn nàn, nào là chuyện tắc đường, nào là tai nạn giao thông, chuyện cháy nổ, chuyện đốt pháo, rồi chuyện đào quất nở toe toét ngập đường, chuyện thịt lợn nhập lậu… khiến cho người bán kêu trời vì rớt giá… vân vân và vân vân…

Chán quá! Chán quá! Cùng với đó là sự mệt mỏi, “sợ Tết”, không ít người tìm cách đi du lịch đó đây để “trốn Tết”. Lạ thế chứ! Hình như cái Tết Hà Nội bây giờ đã không còn được như xưa. Nhớ về Tết xưa, nhiều người hay bảo: Sao ngày xưa Tết vui thế, háo hức thế, sao ăn ngon thế… Rồi mơ màng: Bao giờ cho đến ngày xưa. Đúng vậy không nhỉ?

Xưa và nay vẫn luôn là điều người ta muốn so sánh, muốn chê cái gì thì người ta bảo: ngày xưa thế này, thế nọ, muốn khen cái gì người ta lại nói ngày xưa thế nọ, thế kia… Cũng là điều dễ hiểu, có câu nói: “đứng núi này trông núi nọ” hay “người ta luôn thích cái của người khác”… có lẽ là vì lý do tương tự.

Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và trải nghiệm mọi sự sướng khổ vắt qua hai thời kỳ chiến tranh – hòa bình; bao cấp – đổi mới, đôi lúc cũng suy ngẫm về sự vui buồn của Tết Hà Nội xưa và nay, dù biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng.

Ừ nhỉ, Tết Hà Nội xưa vui thật, nhà nhà hối hả mua sắm, rủ nhau xếp hàng rồng rắn trên Bách hóa tổng hợp để mua hộp mứt, chai rượu chanh hay ít măng miến, đỗ lạc tem phiếu, chen chúc mua bánh pháo cho đêm 30.

Tết nay lại nhớ Tết xưa
Ở Hà Nội vẫn còn nhiều gia đình gìn giữ thói quen gói bánh chưng Tết.

Rồi các chị, các mẹ ngồi ngoài trời rửa lá, đãi đỗ và tán chuyện như pháo nổ giữa cái rét căm căm trong lúc mấy ông xắn tay kê bếp, kiếm củi chuẩn bị luộc bánh. Mà không biết tự bao giờ, người ta thường luộc bánh chưng vào buổi đêm, hình như là tranh thủ để ban ngày cho công việc khác. Hình ảnh mọi người quây quần bên bếp lửa trông nồi bánh chưng có lẽ là khó quên nhất.

Mà ngày xưa rét lắm chứ không như bây giờ giáp Tết còn sơ mi ra phố. Cái rét cắt da cắt thịt phần vì đói phần vì áo quần thiếu thốn mỏng manh, lại càng làm cho những lúc được ngồi bên bếp lửa trông nồi bánh chưng thêm hấp dẫn và nhớ lâu. Rồi đêm 30, chọn đúng lúc Giao thừa nhà nhà đốt pháo, cả thành phố pháo nổ mù mịt vang trời, xác pháo tung hoa, mùi pháo, mùi hương gặp mưa xuân quện lại khắp xóm ngõ tạo ra một hương vị không thể lẫn vào đâu của những đêm giao thừa “thời bao cấp”.

Thế rồi một ngày có chỉ thị cấm đốt pháo, như một sự khởi đầu cho thời kỳ đổi mới. Hẫng hụt lắm chứ, khó khăn lắm chứ, dù ai cũng biết rõ những tác hại ghê gớm về người và của cho phong tục vui thú này. Vật vã trong những năm đầu bỏ tem phiếu, thôi bao cấp, rồi đất nước bắt đầu khấm khá, người dân dần no đủ…

Mới đấy mà đã gần 50 năm với thế hệ 6X như tôi. Tết nay Hà Nội tưng bừng hoa sắc, siêu thị khắp nơi ngập tràn hàng hóa, đủ loại nước trong nước ngoài, tha hồ chọn, tha hồ mua. Còn đâu cảnh xếp hàng chen chúc, còn đâu phải nâng niu từng tấm bánh chưng, từng cân gạo nếp của thời kỳ “củi châu gạo quế”.

Đầy đủ lắm, sung sướng lắm, sao vẫn nhớ Tết xưa? Sao vẫn không thôi càm ràm, nhăn nhó? Ngẫm ra cái sự sướng khổ vui buồn nhiều khi là do cảm giác. Xưa kia chỉ mong đến Tết được ăn ngon, để được tấm áo mới nên hạnh phúc lắm.

Người ta bảo: miếng khi đói bằng một gói khi no là thế. Giờ thì những bữa ăn ngon đủ đầy cá thịt đâu phải chờ đến Tết, quần áo thì mua sắm quanh năm, trẻ em uống sữa như uống nước lọc. Dù đâu đó vẫn còn những mảnh đời vất vả, cơ cực nhưng từng bước, từng bước được Nhà nước và xã hội quan tâm, để không ai bị bỏ lại sau, không ai không có Tết.

Làm từ thiện đang trở thành một nhu cầu của nhiều người trong một xã hội no đủ. Mỗi thời mỗi khác, xưa chỉ thấy xanh xao, gày gò, suy dinh dưỡng làm gì có ăn mà thừa đường, thừa mỡ, thừa đạm, thừa cân như bây giờ? Xưa Hà Nội bình lặng , mênh mang, chỉ toàn xe đạp thì làm gì có tắc đường, có tai nạn giao thông? Thậm chí khi có người chất vấn tôi (vốn được gọi vui là nhà “tham nhũng học”): Sao bây giờ nhiều tham nhũng thế? Tôi nói đùa (chỉ là đùa thôi nhé): Ngày xưa đâu có nhiều của cải thì lấy gì mà tham nhũng?

Tệ nạn luôn đi cùng sự phát triển là thế. Vấn đề là chúng ta nhận thức, ứng xử, đối diện như thế nào mà thôi.

Mỗi thời sướng khổ mỗi khác, âu cũng là do cách nghĩ của con người. Thời gian không quay trở lại, “đừng tiếc cái hôm qua, đừng bỏ cái hôm nay, đừng chờ cái ngày mai”. Ai đó đã nói một câu thật sâu sắc như thế. Vậy nên, với những người đã trải qua thời kỳ đói khổ, rét mướt năm xưa thì nhớ lắm những cái Tết xưa Hà Nội nhưng lại muốn cảm nhận nhiều hơn sự ấm no, đủ đầy hạnh phúc để mà hài lòng, để mà tận hưởng, để mà thêm yêu Tết Hà Nội hôm nay!

Hà Nội, 29 Tết…

TS. Đinh Văn Minh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích