Tết là để trở về!

Tết là để trở về, là để nhớ những câu chuyện bên nồi bánh chưng thật ấm cúng. Nhớ cái sự vất vả, hóa hức trang hoàng nhà cửa chuẩn bị cho Tết.

Những điều tưởng chừng như đơn giản, bình dị nhưng lại khó tìm thấy ở nơi thành phố xa hoa, nơi mà con người ta luôn phải sống vội vã, đua tranh từng ngày với cuộc sống, với thời gian, bận bịu với công việc, cho những lo toan.

Có lẽ hơn ai hết, những người con xa quê làm việc tại thành phố hiểu rõ nhất điều này. Họ nhớ, họ thèm cái sự bình yên mà giản dị, cái hạnh phúc, cái ấm áp nơi quê nhà, nơi có gia đình ở cạnh bên.

Chị Nguyễn Quỳnh Hương (sống và làm việc tại Hà Nội, quê Thái Nguyên): Tết là Gia đình!

Tối 29 Tết mình và Thóc – con gái mình, ngồi cuốn và rán nem cho mấy ngày Tết. Trong lúc đó nồi canh măng vẫn liu riu trên bếp từ chiều, bà ngoại dọn bàn thờ, Khói và Bê nằm ngoài sân sủa hóng bất cứ ai đi qua…

Thóc cuốn xong một khay nem thì kêu đau lưng, mình hứa với nó sẽ có phần thưởng là vài cái nem vỡ – con bé lại hớn hở cặm cụi cuốn tiếp. Để thời gian trôi qua trong bếp đỡ dài, tụi mình nghe podcast từ cái điện thoại vứt trong rổ rau thơm.

Rồi thì các việc cũng xong. Một nồi canh măng thật xuất sắc như trách nhiệm của mọi Tết, nem được chia thành các khay rán non để mỗi ngày làm cơm mời ông bà chỉ cần bỏ ra rán lại. Dọn dẹp xong căn bếp ngẩng lên đã gần 12h đêm.

Tết là để trở về!
Chị Nguyễn Quỳnh Hương.

Thóc bảo: “Tết vất vả quá. Làm sao để con biết thu xếp với Tết? Nhiều quy tắc thờ cúng và các nghi thức quá, con rất bối rối vì không nhớ hết được”. Rồi nó nhìn mình ngồi giữa đống bát đĩa và ngổn ngang thực phẩm, với thớt với dao, mặc áo cũ của bà ngoại, sau lưng là 2 nồi hầm phì phì khói: “Mẹ có sợ Tết không?”.

“À trước kia thì sợ lắm, đến rằm tháng Chạp là bắt đầu hoảng loạn, sang chấn tâm lý. Nhưng sau khi ông ngoại đi vắng, mẹ quý Tết vô cùng. Vì Tết nhắc mình còn có mái nhà ông bà để trở về, mình được nấu ăn và trang hoàng nhà cửa để chờ sum vầy với những người thân yêu của chúng ta”.

“Thóc biết không, sau hết những vất vả – Tết chính là để những đứa con lớn lên, đi xa có gì đó để dành trong ký ức như hoa hồng trong ngày đông giá rét. Hơi ấm của gia đình có nhiều hình dạng để con chạm được vào nó lắm. Đó là phong bao mừng tuổi của ông bà bố mẹ với tờ tiền mới tinh thơm tho, là bát miến gà lòng mề sau giao thừa ăn lấy may, là chữ An mà chị Bim đứng đợi xin cùng con giữa đêm đông giá nơi cửa chùa, là nồi canh măng con mê mẩn, là mùi nhang trầm và lời cầu kinh của bà vẳng xuống từ phòng thờ trên tầng 2…”.

Anh Nguyễn Công Định (sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, quê Thái Bình): “Tết ấm áp và rất đỗi bình yên”

Năm nay vợ mình phải trực nên mình đưa 2 con trai về quê đón Tết với bà nội. Ba bố con bay ra vào sáng 30 và sẽ ở lại đến mùng 5 Tết, sau đó sẽ vào lại Sài Gòn để tiếp tục công việc. Tuy ít thời gian nhưng mình cũng sắp xếp để đưa mẹ đi thăm và chúc Tết họ hàng. Chiều mùng 1 Tết mình đã đưa mẹ đi lễ chùa. Mẹ mình rất thích. Chùa quê mình là những ngôi chùa cổ, thanh bình và an yên lắm!

Tết là để trở về!
Anh Nguyễn Công Định.

Thời tiết miền Bắc dịp Tết năm nay ấm áp nên tụi nhỏ nhà mình vui chơi rất thoải mái. Mình thích ngày 30 Tết. Nó mang đủ trong mình cái háo hức, cái mong chờ, cái chộn rộn, vừa muốn nó nhanh qua sang năm mới, lại muốn nó thật chậm lại để tận hưởng cái không khí giao thời trong cái lành lạnh của mùa xuân.

Mình luôn thấy rưng rưng và thiêng liêng trong khoảnh khắc giao thừa, đặc biệt là hạnh phúc vô cùng khi được quây quần bên gia đình ở nơi mình sinh ra, đầy ắp kỷ niệm thơ bé… Nơi đây không chỉ là nguồn cội, là điểm tựa, mà còn là nơi tiếp thêm sức mạnh, cho mình thật nhiều niềm tin. Cũng tự hào là nơi mình được ươm mầm…

Trước đây nhà mình rất khó khăn nhưng bố mẹ rất nỗ lực để nuôi các con ăn học. Nhà lúc nào cũng luôn đầy ắp yêu thương và sự quan tâm, từ nhỏ tới lớn mình không bao giờ thấy ba mẹ kêu than chuyện gì cả, chỉ có yêu thương và thương yêu; nỗ lực và nỗ lực. Rồi mọi gian khổ cũng qua, giờ mẹ an nhàn và chúng mình lớn khôn. Khi đưa mẹ đi chúc Tết xóm làng, mình thấy đường sá đã tốt hơn xưa, kinh tế nhà nào cũng khá giả hơn, nhưng con người thì vẫn vậy, vẫn thân tình và tốt bụng.

Chị Nguyễn Thu Thảo (sống và làm việc tại Đà Nẵng, quê Thái Bình): Tìm về ký ức qua những phiên chợ Tết

Năm nay cả nhà mình về quê đón Tết. Mình rất thích phiên chợ Tết ở quê. Từ những ngày 29, 30 Tết, mẹ mình và các bác hàng xóm thường rủ nhau đi chợ sắm Tết.

Khác với những khu chợ ở thành thị, chợ quê mộc mạc và bình dị hơn khi cả chợ chỉ tụ họp trên một bãi đất trống. Một tấm bạt bày biện la liệt các mặt hàng. Người bán ngồi trên một chiếc ghế lùn sát mặt đất, hoặc đôi khi là ngồi sõng soài luôn trên tấm bạt. Thế là thành một gian hàng.

Tết là để trở về!
Vợ chồng chị Thảo và các con.

Mộc mạc là vậy, nhưng chợ quê cái gì cũng có, đặc biệt là nông sản với đầy đủ sắc màu. Từ rau củ quả đến lá dong, gạo nếp, dưa hành đều góp mặt ở chợ quê. Cả những thức đồ từ vườn nhà như củ khoai lang, cà rốt hay quả chanh, quả bưởi to căng tròn cũng được bày biện đầy màu sắc.

Một điều đặc biệt nữa ở chợ quê là mọi sản phẩm đều là của người dân tự làm ra rồi mang đi bán. Như khi mùa xuân hái mấy bó mùi thơm, đào củ su hào, bỏ vào quang gánh, hay bắt lấy đôi con gà mấy tháng qua chăm bẵm mang ra chợ, đó là cách người nông dân nâng cao thu nhập cho gia đình những ngày giáp Tết.

Nhiều khi không chỉ để mua hàng, người ta còn đến chợ quê với vô vàn sự kiếm tìm, tìm một chút ký ức tuổi thơ về những ngày Tết hẵng còn nhiều háo hức.

Có lẽ không sai khi nói rằng chợ quê là không gian sinh động phản ánh đời sống của từng gia đình, thói quen sinh hoạt của từng người nông dân ở cả một vùng quê bình dị.

Khung cảnh chợ quê như một thước phim quay chậm, nơi mà cả người bán lẫn người mua đều quen mặt biết tên người đầu làng cuối xã; nơi không có nói thách, mặc cả; nơi có bà có mẹ với đôi quang gánh mong kiếm thêm đồng tiền tiêu Tết; nơi có đám trẻ con với ánh mắt háo hức mong chờ mẹ mua cho quần áo đẹp đi chơi xuân.

Phiên chợ Tết ở quê nhờ vậy lại mang thêm không khí vui tươi, nhộn nhịp những ngày Tết đến, Xuân về. Cũng từ chợ quê, tình làng, nghĩa xóm thêm thắt chặt, xích lại gần nhau hơn.

Lê Hà (ghi)

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích