Tết ấm của yêu thương
Những ngày cuối cùng của tháng Chạp, giống như nhiều gia đình tại xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai), căn nhà của chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Thượng Thanh 2 đã ắp đầy hương vị ngày Tết.
Là hộ cận nghèo của xã Thanh Cao, bản thân chị Hoa không có công ăn việc làm ổn định, lại phải phụng dưỡng bố mẹ già yếu và nuôi con nhỏ, kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Nhằm san sẻ khó khăn, giúp đỡ chị Hoa vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thanh Cao và huyện Thanh Oai đã hỗ trợ chị mua một chiếc xe máy mới làm phương tiện đi làm cùng 15 triệu đồng.
“Nhờ sự hỗ trợ của các cấp ngành, tôi có phương tiện để đi làm, có thu nhập, từ đó kinh tế gia đình dần dần được vực dậy. Tôi rất phấn khởi và xúc động, vì thế, Tết năm nay dù thế nào cũng phải chuẩn bị tươm tất hơn”, chị Nguyễn Thị Hoa cho biết.
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Gia Lâm và nhà tài trợ trao thiết bị sinh hoạt cho bà Nguyễn Thị Kiên tại thôn Yên Mỹ, xã Dương Quang trong ngày khánh thành nhà Đại Đoàn kết. |
Tương tự gia đình chị Hoa, không khí Tết cũng đã đến sớm trong căn nhà mới của bà Nguyễn Thị Kiên ở thôn Yên Mỹ, xã Dương Quang (huyện Gia Lâm). Gia đình bà Kiên thuộc diện hộ cận nghèo ở huyện, một trong 3 người con của bà Kiên bị khuyết tật. Căn nhà mẹ con bà Kiên xuống cấp nhưng không có điều kiện sửa chữa càng ảnh hưởng nhiều hơn đến sinh hoạt, sức khỏe của gia đình.
Chia sẻ khó khăn với bà Kiên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Gia Lâm đã vận động Hội Doanh nghiệp huyện hỗ trợ gia đình bà 60 triệu đồng. Với sự ủng hộ này cùng số tiền tích góp, tháng 9/2023, gia đình bà Kiên đã có được căn nhà mới khang trang với diện tích 52m2.
Trên đây chỉ là số ít trong số hàng triệu người yếu thế, khó khăn ở thành phố Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, trợ giúp ấm áp, nghĩa tình của các cấp chính quyền, ban ngành, cơ quan chức năng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội của thành phố Hà Nội.
Với mục tiêu không để ai bị ở lại phía sau, năm 2023, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai linh hoạt các biện pháp hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh cho người dân theo hướng khơi dậy, phát huy sức mạnh nội lực. Thành phố cũng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và trợ giúp xã hội khẩn cấp cho những người cần trợ giúp, tạo điểm tựa vững chắc để mọi người cùng vươn lên.
Mùa Xuân mới đã đến, Tết đã về. Niềm vui của người nghèo, người yếu thế bừng lên qua nụ cười, ánh mắt khi được đón nhận sự quan tâm, sẻ chia, hỗ trợ của Thành phố, các cấp, ngành và của cộng đồng xã hội đã lan tỏa thêm hơi ấm và cho mùa Xuân thêm trọn vẹn với tất cả mọi người. |
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm chăm lo người nghèo, người yếu thế trong suốt cả năm, nhưng đã thành thông lệ, khi Tết đến Xuân về, sự chăm lo của Thành phố, tình cảm “tương thân, tương ái” của cộng đồng với người nghèo, yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn càng được đẩy mạnh hơn.
Đầu tháng 12/ 2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU về việc tổ chức phục vụ Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn Thành phố, trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp của Thành phố phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội theo quy định của Trung ương và chính sách đặc thù của Thành phố, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, đồng bào các địa phương vùng xa trung tâm Thành phố còn gặp nhiều khó khăn… bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng có Kế hoạch số 308/KH-UBND thăm, tặng quà các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong đó, Thành phố dự kiến tặng 1.078.096 suất quà với tổng kinh phí gần 553 tỷ đồng tặng các đối tượng hưởng chính sách, người có công; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; hộ nghèo; hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; công nhân, viên chức lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, đơn vị thực hiện chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Ngoài quà tặng, Thành phố yêu cầu các địa phương tùy vào điều kiện và khả năng thực tế có thể có các cơ chế chính sách hỗ trợ các gia đình chính sách xã hội khó khăn trên địa bàn quản lý, bảo đảm các đối tượng đều có Tết.
Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở chủ trương, chính sách, trong dịp năm hết, Tết đến, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể Thành phố vẫn dành thời gian trực tiếp đi thăm hỏi, chúc Tết các lão thành cách mạng, gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn điển hình ở từng địa phương, đặc biệt là khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn dù trong điều kiện công việc bộn bề… Những chuyến thăm này càng giúp cái Tết của người nghèo, người yếu thế thêm ấm áp, thắm đượm nghĩa tình…
Nguồn: Báo lao động thủ đô