‘Teo tóp’ nguồn cung, người thu nhập thấp khó mua nhà ở xã hội
Là loại hình nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của phần lớn người dân tại các đô thị, nhưng những năm qua, nhà ở xã hội vẫn luôn rơi vào tình trạng cung không đủ cầu.
‘Đỏ mắt’ tìm nhà giá rẻ
Hiện là nhân viên văn phòng với mức thu nhập thấp, chị Minh Thư đã sinh sống và làm việc tại TP.HCM được 8 năm. Ngán ngẩm sau nhiều lần tìm chỗ trọ, ở được một thời gian rồi lại dọn đi, chị Thư khát khao sở hữu một căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) để an cư.
Cuối năm ngoái, qua báo chí, chị Thư được biết một dự án chung cư NƠXH tại P.Phú Hữu, TP.Thủ Đức vừa động thổ. Xét về tiêu chí, chị Thư cho biết mình đủ điều kiện được hưởng chính sách mua NƠXH.
“Không biết liên hệ với đơn vị nào để hỏi mua căn hộ tại dự án này, cuối cùng tôi đành hỏi Sở Xây dựng. Cơ quan này trả lời rằng vì đây là dự án NƠXH được đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách, nên ai có nhu cầu đăng ký mua thì nộp hồ sơ cho chủ đầu tư”, chị Thư chia sẻ.
Nhiều người dân cho rằng rất khó nắm bắt thông tin về các dự án NƠXH. (Ảnh: Hoàng Hà) |
Tương tự, anh Hoàng Nam, hiện đang công tác trong đơn vị lực lượng vũ trang tại TP.HCM, cũng gặp nhiều khó khăn khi tìm mua NƠXH. Theo anh Nam, thông tin về các dự án NƠXH đa phần không chỉ rõ vị trí, nếu không có khả năng tìm hiểu sâu trên Internet thì rất khó tìm ra. Tìm dự án đã khó, kiếm chủ đầu tư còn khó hơn.
“Các dự án do doanh nghiệp tự đầu tư thì họ phải có trách nhiệm công bố thông tin, nhưng công bố như thế nào, tại đâu thì nhiều người không được biết. Thậm chí, việc tìm kiếm địa chỉ, website hay số điện thoại của chủ đầu tư để liên lạc là cả một vấn đề”, anh Nam nói.
Anh Nam cho hay, trong năm 2022 có một dự án NƠXH cho công nhân tại P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức. Dù không thuộc đối tượng của dự án nhưng theo anh Nam tìm hiểu, mức giá thuê 115.000 đồng/m2/tháng là quá cao so với thu nhập của nhiều công nhân.
Đang làm việc tại một bệnh viện ở TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, anh Văn Đức cho biết đã sinh sống ở tỉnh này 10 năm, hiện vẫn đang thuê nhà. Thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng anh vào khoảng 20 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt, vợ chồng anh để dành được khoảng 5 triệu đồng/tháng.
“Một căn hộ NƠXH rộng 70m2 ở đây có giá khoảng 750 triệu đồng. Với mức thu nhập hiện tại, giấc mơ có nhà của vợ chồng tôi còn xa vời lắm. Nếu có căn hộ 50m2 với giá 300 – 400 triệu đồng, được vay vốn với lãi suất ưu đãi trên 10 năm thì may ra có cơ hội”, anh Đức mong mỏi.
Thiếu nguồn cung
Thực tế trên cho thấy, nhu cầu mua NƠXH của những người thu nhập thấp tại TP.HCM và các tỉnh lân cận là rất lớn. Tuy vậy, nguồn cung vẫn rất hạn chế.
Giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM có 19 dự án NƠXH hoàn tất xây dựng và đưa vào sử dụng với tổng số 14.954 căn hộ. Chỉ có 1 dự án nhà lưu trú công nhân do Công ty Worldon đầu tư hoàn thiện, đáp ứng gần 7.600 chỗ ở cho công nhân.
Cả năm 2022, TP.HCM chỉ có 2 dự án NƠXH hoàn thành xây dựng, tổng quy mô 1.352 căn hộ. Không có dự án NƠXH lẫn nhà lưu trú công nhân nào được cấp phép mới.
Cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản TP.HCM năm qua đang mất cân đối. Theo nhu cầu thực tế, tỷ lệ nhà ở bình dân phải chiếm cao nhất nhưng thời gian qua phân khúc này không có trên thị trường. Trong khi đó, nhà ở cao cấp chiếm đến 70%, còn lại là nhà ở trung cấp.
Là địa phương có nhiều khu công nghiệp, theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 410.000 người muốn mua NƠXH. Phần lớn trong số này là người từ tỉnh khác đến đây làm việc.
Tuy nhu cầu về nhà giá rẻ lớn như vậy nhưng hiện tỉnh Đồng Nai chỉ có 13 dự án NƠXH, nhà lưu trú công nhân đã và đang triển khai với tổng số 10.700 căn. Đến nay, tỉnh này mới hoàn thành 3.500 căn.
Một chung cư NƠXH tại Bình Dương. (Ảnh: Anh Phương) |
Tương tự như Đồng Nai, Bình Dương cũng là địa phương thu hút lượng lớn người lao động nhập cư. Năm 2022, Bình Dương không đạt chỉ tiêu phát triển NƠXH. Cụ thể, chỉ có 2 dự án NƠXH và tái định cư trong dự án nhà ở thương mại được cấp phép, tổng quy mô 1.227 căn.
Tại Hà Nội, giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành 25 dự án với hơn 1.200.000m2 sàn NƠXH, chỉ đạt 20,2% so với kế hoạch. Trong đó, nhà ở sinh viên đạt khoảng 2,8%; nhà ở công nhân đạt 0%; nhà ở phục vụ các đối tượng theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở đạt khoảng 26,2%.
Hay tại Long An, kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng mới đây chỉ ra rằng, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh năm 2021, đầu tư 2.500 căn NƠXH với tổng diện tích 150.000m2 sàn. Nhưng theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh này, thực tế năm 2021 không có NƠXH hoàn thành và bàn giao xây dựng đưa vào sử dụng, tỷ lệ đạt 0% kế hoạch đã duyệt.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, về phát triển NƠXH, giai đoạn 2011 – 2020, cả nước đạt 41% kế hoạch.
Riêng TP.HCM, giai đoạn 2016 – 2020 xây được gần 15.000 căn NƠXH, đạt 75% kế hoạch. Thành phố có khoảng 3 triệu người nhập cư, chủ yếu là công nhân lao động và hầu hết có nhu cầu thuê NƠXH hoặc phòng trọ.
“Kết quả này chưa đáp ứng được vì nhu cầu NƠXH và nhà lưu trú công nhân đang rất lớn. Các hộ gia đình và cá nhân là lực lượng chủ yếu đã giúp giải quyết bài toán chỗ ở cho đa số công nhân lao động và người nhập cư với nhiều khu nhà trọ”, ông Châu đánh giá.
Nguồn cung khan hiếm, trong khi nguồn cầu luôn duy trì ở mức cao khiến giá NƠXH liên tục tăng thời gian qua. Khảo sát tại TP.HCM và Hà Nội, nhiều dự án NƠXH đã bàn giao được vài năm tăng giá gấp đôi so với ban đầu, thậm chí có những dự án chạm ngưỡng gần 30 triệu đồng/m2.
Một dự án NƠXH tại quận 12 (TP.HCM), năm 2016 có giá bán khoảng 13,8 triệu đồng/m2, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% thì nay được chào giá 29 triệu đồng/m2. Sau hơn 5 năm, giá bán NƠXH tại dự án này tăng 2,1 lần.
Còn tại Hà Nội, dự án nhà ở Đại Kim (Hoàng Mai) được bán từ năm 2016 với giá 14 triệu đồng/m2. Dự án có 80% NƠXH, đến nay, giá bán lên mức gần 30 triệu đồng/m2. NƠXH Rice City Sông Hồng (Long Biên, Hà Nội), cách đây 5 năm được bán với giá hơn 13 triệu đồng/m2, nay được chào bán với giá 28 triệu đồng/m2… khiến nhiều người thu nhập thấp có nhu cầu không thể tiếp cận được.
CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI: Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký văn bản số 178 về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản. Trong đó, một chỉ đạo đáng chú ý là việc Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, phân khúc thị trường giá cả bất động sản hợp lý hơn, đặc biệt chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng hoàn thiện đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. |
Nguồn: Báo xây dựng