TCVN ISO 9001:2015 – chuẩn hóa quá trình giải quyết công việc tại cơ quan hành chính nhà nước

Những năm qua, việc triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước đã khẳng định vai trò của tiêu chuẩn là công cụ quan trọng, hỗ trợ các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chuẩn hóa quá trình giải quyết công việc, cải tiến phương thức thực thi công vụ.

Mục tiêu chính là hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân có liên quan; minh bạch hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, hướng đến nền hành chính hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hoạt động cải cách hành chính nhà nước.

 Trung tâm phục vụ hành chính công Quảng Ninh.

Theo đó, HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 là phiên bản mới nhất được nâng cấp từ các phiên bản trước đó với những thay đổi đột phá, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ; phục vụ tốt yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đảm bảo hơn nữa nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ thời gian, rõ trách nhiệm trong quy trình giải quyết công việc.

TCVN ISO 9001:2015 gồm 10 điều khoản, tương ứng với chu trình PDCA (lập kế hoạch – thực hiện – kiểm tra – cải tiến), được đánh giá là sự nâng cấp và thay thế hoàn hảo cho HTQLCL trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang ngày càng phát triển. Phiên bản mới ISO 9001:2015 được tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) kỳ vọng có thể duy trì đến 25 năm.

Thời gian qua, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tiến hành áp dụng TCVN ISO 9001:2015 và có những chuyển biến tích cực. Đơn cử như tại Quảng Ninh, theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ – cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo ISO tỉnh này, việc áp dụng hệ thống theo TCVN ISO 9001:2015 giúp lãnh đạo và cán bộ công chức viên chức, lao động xử lý công việc nhanh chóng, khoa học, hiệu quả; quy trình thực hiện công việc được kiểm tra chặt chẽ thông qua cơ chế thông tin báo cáo, giúp truy tìm được nguyên nhân sai sót nhanh chóng và ngăn chặn tái diễn hiệu quả. Đồng thời, ISO 9001:2015 cũng giúp đảm bảo hồ sơ giao dịch hành chính được giải quyết đúng luật và đúng hạn, công khai, minh bạch; các quy trình, thủ tục được đơn giản hóa, tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho tổ chức, cá nhân.

Nhờ áp dụng TCVN ISO 9001:2015, nền hành chính công của Quảng Ninh ngày càng hiện đại hóa và môi trường công vụ văn minh hơn. Ở các nội dung cụ thể của hành chính công, như: Quản lý tài liệu, hồ sơ, bảo mật các tài liệu quan trọng; hoạt động của các trung tâm hành chính công; quy trình tiếp nhận, giải quyết, trả và kiểm tra kết quả… đều rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng; góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị. 

Hay tại Hưng Yên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho hay, việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về tinh thần cải cách phục vụ công dân, doanh nghiệp được thay đổi và cải thiện rõ rệt, đã xây dựng được các quy trình giải quyết công việc một cách khoa học; từng bước cải tiến phương pháp làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho từng cán bộ, công chức, phòng, ban giải quyết công việc thông suốt, kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, đơn giản hoá quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết công việc của doanh nghiệp, địa phương, cơ sở. Các cơ quan, tổ chức đã có ý thức hơn trong việc thu thập, sắp xếp, lưu trữ các loại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên làm căn cứ thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; tham chiếu khi cần; hồ sơ tài liệu được sắp xếp ngăn nắp và có hệ thống theo từng lĩnh vực công việc.

Tuy nhiên, theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên, bên cạnh những ưu điểm công tác xây dựng và áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn còn bộc lộ những hạn chế.

Ví dụ như công chức phụ trách công tác ISO chủ yếu là kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian cho việc áp dụng, duy trì, cải tiến HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015. Nhận thức của một số cán bộ công chức về hiệu quả của việc xây dựng áp dụng, duy trì, cải tiến HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 còn hạn chế. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và tỉnh thường xuyên thay đổi, các văn bản hướng dẫn thực hiện ban hành thiếu kịp thời, đồng bộ ảnh hưởng đến việc cập nhật vào các quy trình ISO…

Các chuyên gia cho rằng, việc nhìn nhận và khắc phục hạn chế là phương thức hữu hiệu giúp từng bước hoàn thiện quá trình triển khai, áp dụng TCVN ISO 9001:2015, từ đó chuẩn hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân và tổ chức bảo đảm đúng trình tự, thời gian theo quy định, tạo sự công khai, minh bạch trong công tác quản lý Nhà nước.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích