TCVN 14120: 2024 nguyên tắc đặt tên cho một loài gỗ

Gỗ đóng vai trò thiết yếu trong đời sống con người từ hàng ngàn năm nay. Nó được sử dụng làm nhiên liệu, vật liệu xây dựng, chế tạo công cụ, vũ khí, đồ nội thất và giấy. Ngoài những ứng dụng truyền thống, gỗ hiện nay còn được sử dụng để sản xuất cellulose tinh chế và các sản phẩm từ cellulose như giấy bóng kính (cellophane) và cellulose acetate. Nhờ khả năng tái tạo dồi dào và tính trung hòa carbon gỗ ngày càng được chú trọng như một nguồn năng lượng tái tạo đầy tiềm năng. 

Gỗ là sản phẩm chính của rừng, theo nghĩa hẹp, gỗ trong thân cây của các loài cây thân gỗ. Theo nghĩa rộng gỗ là loại vật liệu bao gồm gỗ nguyên khai thác từ thân, cành, rễ của cây gỗ, các sản phẩm gia công cơ giới như ván xẻ, ván dán, ván dăm và ván sợi, gỗ ghép thanh,…Ở mỗi địa phương, mỗi loài gỗ có một hoặc nhiều tên gọi, nhờ tên gọi người ta có thể nhận biết và tìm hiểu các đặc điểm của gỗ. Tên địa phương có ưu điểm dễ hiểu, dễ nhớ đối với mọi người vì nó phản ánh được tính dân tộc, đại chúng.

Tại Việt Nam hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14120: 2024 gỗ – nguyên tắc về danh pháp nhằm đưa ra những hướng dẫn về nguyên tắc đặt tên cho một loài gỗ, bao gồm tên khoa học, tên thương mại, tên Việt Nam, mã hóa tên và thông tin về xuất xứ.

Mỗi loại gỗ đều có tên khoa học, thương mại khác nhau để dễ dàng phân loại. Ảnh minh họa

Nguyên tắc đặt tên khoa học của một loài cây viết bằng chữ Latinh gồm ít nhất 2 từ: Từ đầu tiên là tên chi và từ thứ hai là tên loài, hai từ này bắt buộc viết in nghiêng. Ngoài ra, tên khoa học còn có thêm từ thứ 3 chỉ tên người phát hiện ra loài cây đó hay thu thập mẫu vật và không viết nghiêng. Ví dụ: Tên khoa học của loài giổi xanh là Michelia mediocris Dandy. Trong đó, tên chi của gỗ giổi xanh là “Michelia”, tên loài là “mediocris”, “Dandy” là tên nhà khoa học phát hiện ra.

Nếu gặp một loài chưa biết, sẽ viết tắt tên loài bằng chữ viết tắt sp (species). Nếu có nhiều loài thuộc về cùng một chi nhưng không chỉ rõ loài nào, người ta có thể viết tắt thành spp., có nghĩa species plurima (nhiều loài). Ví dụ: Một loài bạch đàn chưa biết rõ tên loài cụ thể trong một chi bạch đàn thì viết Eucalyptus sp. Hoặc Eucalyptus spp.

Mã hóa ký tự cho một loài cây bao gồm bốn ký tự, trong đó hai ký tự đầu quy định cho chi được lấy từ hai ký tự đầu tiên trong tên chi. Ký tự thứ ba và thứ tư quy định cho tên loài cây, được lấy từ hai ký tự đầu tiên trong tên loài. Ví dụ: Tên khoa học của loài Bạch đàn nâu là Eucalyptus urophylla thì được mã hóa là EUUR. Trong đó hai ký tự mã hóa đầu tiên “EU” được lấy từ hai ký tự đầu tiên của tên chi bạch đàn (Eucalyptus) và hai ký tự mã hóa tiếp theo “UR” được lấy từ hai ký tự đầu tiên của tên loài Bạch đàn nâu (urophylla).

Trong trường hợp tên loài chưa xác định được trong một chi hoặc nhiều loài chưa xác định được cùng trong một chi, thì ký tự XX được sử dụng. Mã hóa bốn ký tự sẽ có hai ký tự đầu tiên là hai ký tự đầu tiên của tên chi, ký tự thứ ba và thứ tư quy định cho tên các loài gỗ này là XX. Ví dụ: Với chi gỗ sồi (Quercus), trong đó QCXA, QCXE và QCXR lần lượt được sử dụng cho gỗ sồi trắng Mỹ (American white oak), gỗ sồi Châu Âu (European oak) và gỗ sồi đỏ Mỹ (American red oak).

Xuất xứ của gỗ được sử dụng các chữ viết tắt đưa ra như châu Âu là EU; Châu Phi là À; Bắc Mỹ là AM (N); Trung Mỹ là AM (C); Nam Mỹ là AM (S); Châu Á là AS; Úc và các đảo Thái Bình Dương là AP.

ĐỂ BIẾT THÊM NỘI DUNG TOÀN VĂN CỦA TIÊU CHUẨN TCVN 14120: 2024

VUI LÒNG LIÊN HỆ:

Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Đ/c: Số 8, đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Điện thoại: (024) 37562608/  37564268

Email: [email protected]

An Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích