Tây Ninh xử lý nhiều cơ sở vi phạm chất lượng sản phẩm hàng hóa và nhập lậu

Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã phối hợp Phòng Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Tây Ninh triệt phá một tụ điểm buôn bán thực phẩm chức năng giả qua mạng tại huyện Tân Châu.

Theo điều tra, Phan Trọng Hiếu và vợ là Nguyễn Thị Hào (cùng sinh năm 2000) thuê nhân viên sử dụng nhiều tài khoản trên sàn thương mại điện tử S. để bán thực phẩm chức năng giả với quảng cáo giảm cân. Ngày 20/10, lực lượng chức năng bắt quả tang đối tượng Tô Hạnh Nhi (sinh năm 2001) khi đang bán hàng giả.

Phan Trọng Hiếu cùng sản phẩm bị tạm giữ.

Kiểm tra nơi cất giữ hàng, cơ quan chức năng phát hiện hơn 3.700 sản phẩm giả trị giá trên 290 triệu đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, các đối tượng đã thực hiện hơn 14.000 đơn hàng với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Vụ việc hiện đang được tiếp tục điều tra.

Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tây Ninh đã tổ chức thực hiện 10 cuộc kiểm tra về an toàn thực phẩm tại 141 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, lấy 148 mẫu kiểm nghiệm chất lượng, đã phát hiện 15 cơ sở vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, 16 mẫu vi phạm chất lượng. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính và tham mưu cấp thẩm quyền xử phạt 21 trường hợp, với số tiền 338 triệu đồng; chuyển cơ quan khác xử phạt vi phạm hành chính 9 trường hợp với số tiền 116 triệu đồng.

Cụ thể, hộ kinh doanh Phạm Minh Khiêm địa chỉ số 40, tổ 12, ấp Xóm Mới, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu sản xuất sản phẩm nước me sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng (Natribenzoate) theo quy định nhưng vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép. Đoàn Kiểm tra đã lập biên bản và chuyển hồ sơ đến Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với số tiền 25 triệu đồng.

Hay hộ kinh doanh Võ Hùng Cường địa chỉ: Khu phố Lộc Thanh, phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng sản xuất sản phẩm bánh tráng sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng (Sunfua dioxyd) theo quy định nhưng vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép. Đoàn Kiểm tra đã lập biên bản và chuyển hồ sơ đến Chánh Thanh tra Sở Công Thương xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với số tiền 25 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Ảnh: Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh

Đối với lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lực lượng chức năng thực hiện 8 cuộc thanh tra, kiểm tra về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống tại 157 cơ sở sản xuất, kinh doanh; lấy 345 mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống kiểm tra chất lượng. Kết quả phát hiện 21 cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhãn hàng hoá, về chất lượng mẫu: 262 mẫu đạt chất lượng, 63 mẫu vi phạm chất lượng. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính và tham mưu cấp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 69 trường hợp với tổng số tiền 918 triệu đồng.

Đơn cử, mới đây, thực hiện công tác kiểm tra theo Kế hoạch năm 2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra định kỳ đối với hộ kinh doanh đại lý vật tư nông nghiệp BP trên địa bàn Thị xã Hòa Thành tỉnh Tây Ninh.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 đã tiến hành lấy 01 mẫu phân bón đi kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Kết quả phân tích cho thấy mẫu phân bón có chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-189:2019/BNNPTNT về chất lượng phân bón. Tuy nhiên, trên nhãn phân bón thể hiện không đúng nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa.

Qua làm việc với đại lý phân bón BP cho biết đã liên hệ với công ty sản xuất phân bón và công ty cho biết do trong quá trình thay đổi mẫu bao bì mới nên bộ phận kỹ thuật không cập nhật kịp thời thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, vì vậy đã có vi phạm về nhãn hàng hóa nêu trên.

Nhận thấy vụ việc vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của Đội, Đội QLTT số 3 đã hoàn tất hồ sơ chuyển vụ việc đến Cục QLTT tỉnh Tây Ninh để xử lý theo thẩm quyền với hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hóa có nhãn ghi không đúng nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, trị giá tang vật vi phạm là 236 triệu đồng. Tổng số tiền nộp phạt là hơn 160 triệu đồng và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông trên thị trường. Hộ kinh doanh đã thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện xử lý các đối tượng vận chuyển trái phép hàng hóa nhập lậu. Theo đó, ngày 28/8/2024, tại quốc lộ 22, khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng, Đội QLTT số 4 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô 16 chỗ ngồi nhãn hiệu Mercedes do ông Đỗ Phú Nghĩa điều khiển, phát hiện bên trong xe có chứa 600 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại (300 bao thuốc lá điếu nhập lậu hiệu Hero, 300 bao thuốc lá điếu nhập lậu hiệu Jet).

Quá trình thẩm tra, xác minh, làm việc, Đội QLTT số 4 xác định ông Đỗ Phú Nghĩa đã có hành vi vi phạm hành chính buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu. Tang vật vi phạm là 600 bao thuốc lá điếu nhập lậu (300 bao hiệu Hero và 300 bao hiệu Jet), trị giá hàng hoá vi phạm là 9 triệu đồng. Ngày 9/92024, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đỗ Phú Nghĩa với số tiền xử phạt là 40 triệu đồng.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích