Tây Ninh tạm giữ 3.683 sản phẩm thực phẩm chức năng có dấu hiệu nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu
Cụ thể, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường của Công an tỉnh Tây Ninh tiến hành khám đột xuất điểm tập kết hàng hóa tại ấp Trảng Ba Chân, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu. Chủ cơ sở là Tô Hạnh Nhi, sinh năm 2001.
Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng có dấu hiệu vi phạm. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Tây Ninh
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 3.533 sản phẩm, bao gồm thực phẩm chức năng có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng, bao bì, và hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 262 triệu đồng.
Trong quá trình làm việc, Tô Hạnh Nhi khai nhận số hàng này do Phan Trọng Hiếu sinh năm 2000 (anh của đối tượng Tô Hạnh Nhi) trú tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu, đặt mua trôi nổi trên mạng mà không rõ nguồn gốc và không có hóa đơn, chứng từ. Sau khi nhận hàng, Nhi sử dụng các tài khoản thương mại điện tử do mình đăng ký để bán các sản phẩm này.
Dựa trên lời khai của Tô Hạnh Nhi, Đội QLTT số 4 đã tiến hành khám xét thêm một điểm tập kết hàng hóa tại ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu, do Phan Trọng Hiếu làm chủ. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện 150 sản phẩm, bao gồm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và giày các loại, có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa và bao bì. Trị giá số hàng này ước tính khoảng 30 triệu đồng.
Đối tượng Phan Trọng Hiếu thừa nhận các sản phẩm trên đều không có hóa đơn, chứng từ và là hàng giả mà ông mua trôi nổi trên thị trường với giá rẻ hơn so với hàng thật. Sau đó, Hiếu đăng bán trên các nền tảng thương mại điện tử nhằm kiếm lời.
Hiện toàn bộ số hàng hóa vi phạm với tổng giá trị 292 triệu đồng đã được niêm phong và tạm giữ để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Số tang vật có dấu hiệu vi phạm đã bị tạm giữ điều tra theo quy định của pháp luật. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Tây Ninh
Trước đó, từ ngày 16/9/2024 đến ngày 24/9/2024, Đội QLTT số 4 cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất 9 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy tại huyện Tân Châu. Tất cả 9 cơ sở này đều vi phạm hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đặc biệt là các phụ tùng mang nhãn hiệu Honda và Yamaha. Tổng số tiền xử phạt đối với các cơ sở vi phạm là 54 triệu đồng. Ngoài ra, 328 sản phẩm phụ tùng giả mạo đã bị buộc tiêu hủy, với tổng trị giá hàng hóa ước tính hơn 8 triệu đồng.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, trên thực tế, ở nước ta không hiếm gặp các nhãn hiệu có tên tuổi bị xâm phạm dưới các hình thức như sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm tổn hại đến kinh tế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được xem là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ nhãn hiệu hàng hóa, tạo sân chơi lành mạnh giữa các nhà sản xuất. Đặc biệt, việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa còn góp phần đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng thoát khỏi tâm lý hoang mang, lo lắng khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.
Duy Trinh