Tây Ninh: Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh
Tây Ninh: Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh
Tỉnh Tây Ninh sẽ tập trung đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung nông thôn có quy mô lớn, liên xã, liên huyện, ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống công trình thuỷ lợi.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, mạng lưới cấp nước sạch nông thôn có 78 công trình, gồm 77 công trình cấp nước tập trung nông thôn (trong đó, 68 công trình công suất thiết kế từ 100m3/ngày.đêm trở lên/công trình, 9 công trình có công suất thiết kế từ 100m3/ngày.đêm trở xuống/công trình) và 1 công trình cấp nước nhỏ lẻ.
Công suất hoạt động trung bình của các công trình cấp nước sạch nông thôn đạt 61,23% công suất thiết kế (gần 12.700/20.727m3/ngày.đêm); số hộ dân sử dụng nước từ công trình cấp nước sạch nông thôn đạt 92,2% số hộ thiết kế (khoảng 24.700 hộ/26.800 hộ).
Việc duy trì hoạt động bền vững các công trình cấp nước tập trung nông thôn, bảo đảm cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, liên tục, đủ lượng nước, chất lượng nước theo quy chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khoẻ người dân đang là một trong những vấn đề được quan tâm trên địa bàn tỉnh.
Ngày 12.12.2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4064/KH-UBND về thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2028, qua đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm, giải pháp thực hiện của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 72%; tỷ lệ thất thoát nước sạch bình quân 15%. Phấn đấu đến năm 2030, 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 85%; tỷ lệ thất thoát nước sạch bình quân từ 15% trở xuống. Giai đoạn 2024-2028, dự kiến 70% công trình cấp nước tập trung nông thôn được lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung nông thôn có quy mô lớn, liên xã, liên huyện, ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống công trình thuỷ lợi (hồ chứa, kênh chuyển nước, kênh chính) để xử lý, cấp nước cho sinh hoạt; mở rộng tuyến ống các công trình cấp nước tập trung nông thôn kết nối với hệ thống cấp nước đô thị (khu vực phù hợp) để mở rộng phạm vi cấp nước và bao phủ vùng cung cấp nước.
Đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng quy mô công trình cấp nước tập trung nông thôn gắn với quản lý, khai thác vận hành theo quy trình, kế hoạch được duyệt, hoạt động hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, ưu tiên các giải pháp ứng dụng công nghệ xử lý nước hiện đại; thiết bị thông minh trong công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước; giám sát chất lượng nước; xây dựng hệ thống thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu và điều khiển, giám sát, lưu trữ dữ liệu.
Mặt khác, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng nước tại các công trình; kịp thời phát hiện các công trình có nguồn nước ô nhiễm để có giải pháp khắc phục, xử lý phù hợp, bảo đảm chất lượng nước đầu vào và sau xử lý.
Thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh; xây dựng các phương án bảo vệ, cải tạo chất lượng nguồn nước; quản lý chặt chẽ việc khai thác nước ngầm. Kiểm soát các nguồn xả thải, hoạt động khai thác nước; xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và thiết xử lý nước hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; sử dụng các trang thiết bị, công nghệ hiện đại về kiểm soát chất lượng và khử trùng nước; đầu tư các thiết bị phục vụ công tác giảm thất thoát, duy trì ổn định áp lực và cấp nước liên tục.
Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước; tuyên truyền, phổ biến kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia, liên quan đến hoạt động cấp nước sinh hoạt, thay đổi hành vi, thói quen trong việc sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả. Hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước sinh hoạt an toàn để sử dụng trong mùa khô, đặc biệt là các khu vực khan hiếm, khó khăn về nguồn nước.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị