Tây Ninh khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng thương mại biên giới để phục vụ xuất khẩu

(Xây dựng) – Tỉnh Tây Ninh đã triển khai lập quy hoạch chi tiết khu vực cửa khẩu để làm căn cứ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại qua biên giới đối với 03 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam), 03 cửa khẩu chính (Chàng Riệc, Phước Tân, Kà Tum) và 01 cửa khẩu phụ (Vạc Sa).

Tây Ninh khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng thương mại biên giới để phục vụ xuất khẩu
Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. (Ảnh minh họa)

Hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi

UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện biên giới tiến hành rà soát, điều chỉnh đối với các quy hoạch hiện có cho phù hợp với nhu cầu thực tế, triển khai lập quy hoạch đối với các cửa khẩu chưa có quy hoạch.

Theo Sở Công Thương, tỉnh có đường biên giới dài 240 km với 20 xã của 05 huyện, thị xã biên giới (Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành, Tân Biên và Tân Châu) tiếp giáp với 03 tỉnh (Svay Rieng, Pray Veng, Tboung Khmum) Vương quốc Campuchia.

Hệ thống cửa khẩu quốc tế, chính, phụ trải dài trên toàn tuyến biên giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa, con người, phương tiện qua lại biên giới một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Hiện nay, tỉnh Tây Ninh có 03 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam); 03 cửa khẩu chính (Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân); 02 cửa khẩu phụ có đủ lực lượng chuyên ngành quản lý (Vàm Trảng Trâu, Vạc Sa, Long Phước), 07 cửa khẩu phụ chỉ có lực lượng Biên phòng quản lý (Cây Gõ, Tân Phú, Tà Nông, Long Thuận, Phước Chỉ, Cây Me) và nhiều tuyến đường truyền thống qua lại biên giới.

Tây Ninh khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng thương mại biên giới để phục vụ xuất khẩu
Khu vực tập trung các xe hàng lớn tại cửa khẩu Kà Tum. (Ảnh minh họa)

Thực hiện Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Tây Ninh đã lồng ghép vào Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại biên giới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3843/KH-UBND ngày 07/11/2022 để triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU.

Số liệu thống kê hiện trạng hạ tầng thương mại biên giới (siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm logistics, kho hàng hóa, trung tâm hội chợ, triển lãm ở khu vực biên giới) của Sở Công Thương mới đây cho thấy toàn tỉnh hiện có 20 chợ đang hoạt động/22 chợ/14 xã biên giới.

Về Kho hàng hóa tại khu vực biên giới gồm có các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu ở biên giới được Tổng cục Hải quan công nhận gồm: Tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài có 02 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu ở biên giới do doanh nghiệp đầu tư. Các kho bãi, địa điểm này được Tổng cục Hải quan công nhận do tư nhân đầu tư xây dựng, nằm ngoài khu vực cửa khẩu.

Tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng dịch vụ logistics

Tại khu vực cửa khẩu Xa Mát có địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu ở biên giới cũng do doanh nghiệp đầu tư. Kho bãi, địa điểm này đã được Tổng cục Hải quan công nhận do tư nhân đầu tư xây dựng, nằm ngoài khu vực cửa khẩu.

Tây Ninh khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng thương mại biên giới để phục vụ xuất khẩu
Cửa khẩu quốc tế Xa Mát (huyện Tân Biên). (Ảnh minh họa)

Đối với khu vực cửa khẩu Chàng Riệc chỉ có 01 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu với diện tích 63.000 m2 được Tổng cục Hải quan công nhận; đáp ứng mỗi ngày khoảng 100-150 phương tiện.

Ngoài ra, tại khu vực cửa khẩu chính Kà Tum hiện có 02 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu ở biên giới được Tổng cục Hải quan công nhận…

Đặc biệt, đến nay, tỉnh Tây Ninh đã thu hút được 02 dự án trung tâm logistics với tổng vốn đầu tư 1.085 tỷ đồng, 13 dự án kho hàng với tổng vốn đầu tư 6.297 tỷ đồng ở khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh.

Theo định hướng phát triển hạ tầng thương mại biên giới giai đoạn 2025-2030, phát triển hạ tầng thương mại Tây Ninh trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistics, thương mại kết nối giữa các vùng nguyên liệu, cung ứng hàng hóa từ Campuchia, Tây Ninh thông thương với thị trường tiêu dùng chính là TP. Hồ Chí Minh (thị trường tiêu dùng) và các địa phương trong vùng trọng điểm phía Nam.

Tây Ninh khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng thương mại biên giới để phục vụ xuất khẩu
Nông sản là mặt hàng chủ yếu được các doanh nghiệp nhập khẩu về cửa khẩu Xa Mát. (Ảnh minh họa)

Về lâu dài đây là khu vực kết nối giao thương trọng yếu giữa Campuchia và vùng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng đó, khai thác hiệu quả, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng hiện có phục vụ tốt nhất cho xuất khẩu tại các cửa khẩu, đặc biệt trở thành một trong những cửa ngõ chính kết nối xuất nhập khẩu giữa vùng Đông Nam Bộ với thị trường Campuchia.

Tập trung nguồn lực, thu hút lao động, chuyên gia chất lượng cao, các doanh nghiệp, nhà đầu tư uy tín để tăng cường đầu tư, hoàn thành và phát triển các hạ tầng dịch vụ logistics và thương mại nhằm thúc đẩy cho sự phát triển nhanh, đột phá và bền vững của trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Tây Ninh tại xã Hưng Thuận, Thị xã Trảng Bàng.

Trong đó, Trên đây là nội dung báo cáo của Sở Công Thương gửi Bộ Công Thương về tình hình phát triển hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích