Tây Ninh: Chủ động nguồn vật liệu san lấp cho các công trình giao thông trọng điểm

(Xây dựng) – Tỉnh Tây Ninh hiện có nhiều công trình giao thông trọng điểm, đang triển khai cần khối lượng vật liệu san lấp lớn. Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đang tìm các giải pháp nhằm chủ động “giải bài toán” khó này.

Tây Ninh: Chủ động nguồn vật liệu san lấp cho các công trình giao thông trọng điểm
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh: “Các công trình giao thông cần rất nhiều vật liệu san lấp, nếu không chủ động được nguồn cung cấp loại vật liệu này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình”.

Tỉnh Tây Ninh đang có hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng như: Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT 782-784 đoạn từ ngã ba tuyến tránh QL 22B đến ngã tư Tân Bình cần san lấp khoảng 2,3 triệu m3; Dự án đường Đất Sét – Bến Củi cần san lấp khoảng 1,2 triệu m3; Dự án đường và cầu An Hòa cần san lấp khoảng 0,5 triệu m3…

Phát biểu tại kỳ họp giao ban Hội đồng Vùng Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: Việc phát triển các công trình giao thông cần rất nhiều vật liệu san lấp, nếu không chủ động được nguồn cung cấp loại vật liệu này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình. Do vậy cần xem xét đến việc khai thác và sử dụng nguồn vật liệu xây dựng tại chỗ, nghĩa là tận dụng những khu vực đất kém phát triển để khai thác nguồn vật liệu xây dựng, đồng thời sẽ tìm giải pháp để cải tạo lại chính khu vực sau khi đã khai thác nguồn vật liệu xây dựng.

Hiện nay, nguồn đất san lấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng rơi vào tình trạng đang khan hiếm, không đáp ứng nhu cầu của các dự án. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh công tác cấp phép khai thác khoáng sản đất san lấp. Đồng thời, tăng cường quản lý, khai thác có hiệu quả các mỏ đất san lấp trên địa bàn tỉnh.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, khoáng sản vật liệu xây dựng trên đất liền chỉ có 2 mỏ đá vôi do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép, còn lại chủ yếu là cát xây dựng nằm trong các lòng hồ Dầu Tiếng, Tha La, sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, với tổng diện tích hơn 4.047 ha, trữ lượng tài nguyên dự tính khoảng 15.900.100 m3.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh đang đề xuất đấu giá quyền khai thác khoáng sản 4 mỏ cát xây dựng đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong lòng hồ Dầu Tiếng, trữ lượng nguyên khai dự tính khai thác khoảng 2.744.100m3. Do lần đầu tỉnh Tây Ninh triển khai cấp phép thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, theo Nghị định số 23/CP của Chính phủ, quá trình thực hiện còn một số khó khăn, cần được tháo gỡ về cách tính trữ lượng đấu giá, xác định giá khởi điểm, năng lực của tổ chức tham gia đấu giá…

Mới đây, ông Trần Minh Sơn – Phó Bí thư, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết: Tỉnh Tây Ninh có 185 khu vực khoáng sản, trong đó: 3 khu vực đá xây dựng, 39 khu vực cát xây dựng, 9 khu vực khoáng sản đất sét làm gạch ngói, 126 khu vực vật liệu san lấp, 5 khu vực khoáng sản than bùn, 3 khu vực khoáng sản cuội sỏi.

Tuy nhiên, trên thực tế, sản lượng đất san lấp mà các mỏ đang khai thác có thể cung cấp đủ nhu cầu cho các công trình giao thông trọng điểm đang thi công, nhưng vì xa công trình nên đã đẩy giá thành lên cao.

Liên quan đến giá cả của vật liệu xây dựng, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã tính đến phương án đưa vật liệu san lấp vào danh mục các mặt hàng phải kê khai giá. Đồng thời, giao Cục Thuế tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị khai thác, kinh doanh vật liệu xây dụng để chống thất thu ngân sách nhà nước, bảo đảm công bố giá phù hợp và không làm ảnh hưởng đến tính khả thi khi triển khai thi công, các công trình sử dụng vốn xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.

Tây Ninh: Chủ động nguồn vật liệu san lấp cho các công trình giao thông trọng điểm
Một mỏ đất được cấp phép tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành (Tây Ninh).

Theo đó, các Sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh để tìm giải pháp phù hợp khi triển khai thực hiện. Cụ thể, về trữ lượng khai thác để đấu giá, lấy trữ lượng nguyên khối để xác định giá khởi điểm, bước giá. Xác định giá khởi điểm trên cơ sở giá thuế tài nguyên do UBND tỉnh ban hành. Các tổ chức khi trúng đấu giá mỏ cát xây dựng, lập thủ tục theo quy định gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thuê đất. Trường hợp doanh nghiệp trúng đấu giá không làm thủ tục tiếp theo, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi kết quả trúng đấu giá.

Với chỉ đạo kịp thời trong công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường qua các kênh khác nhau, tỉnh Tây Ninh sẽ chủ động được nguồn vật liệu xây dựng phục vụ các công trình giao thông của tỉnh cũng như các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, góp phần hỗ trợ công trình hoàn thành đúng tiến độ. Tránh tình trạng như một số công trình khác hiện đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 44 mỏ vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực khai thác. Trong đó có 27 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp (thời điểm tháng 8.2022 có 30 giấy phép, hiện nay đã hết hạn 6 giấy phép, UBND tỉnh cấp mới 3 giấy phép), tổng trữ lượng hiện còn là 4.122.305m3; 17 mỏ cát xây dựng, trong đó 1 mỏ đang trình UBND tỉnh gia hạn, tổng trữ lượng cát xây dựng còn lại là khoảng 6 triệu 913m3.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích