Tây Ninh: Cần xem lại việc mất đất của một gia đình chính sách
Tây Ninh: Cần xem lại việc mất đất của một gia đình chính sách
Theo dõi MTĐT trên
Mặc dù sự việc đã lên đến tòa án 2 cấp nhưng những phán quyết thiếu thuyết phục của tòa đã gây nên oan trái suốt gần 40 năm cho gia đình một liệt sĩ ở xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh…
Hai quyển “sổ đỏ”
Theo Tờ trình ngày 04/9/2002 và Báo cáo số 06/BC-UB ngày 09/4/2003 của UBND xã Bình Thạnh (nay là xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), mảnh đất có tổng diện tích 3.304 m2 gồm 5 thửa, tọa lạc tại ấp Bình Phú (xã Phước Bình) có nguồn gốc là của bà Vương Thị Đồn. Sau 1975, chính quyền trưng thu và giao lại cho ông Đặng Văn Đúng và bà Võ Thị Luông – một gia đình Đảng viên nghèo (bà Luông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, con là liệt sĩ Đặng Văn Chà được tặng Huân chương Kháng chiến Hạng nhì). Sau khi cả hai qua đời thì để lại cho con là ông Đặng Văn Quăng tiếp tục sử dụng cho đến nay.
Năm 2005, ông Quăng được UBND huyện Trảng Bàng cấp GCNQSDĐ toàn bộ diện tích nêu trên căn cứ vào việc gia đình ông sử dụng canh tác từ năm 1977 đến năm 2005 (trên 40 năm). Giấy CNQSDĐ toàn bộ mảnh đất chia làm 5 quyển khác nhau (tương đương một thửa đất) bao gồm các thửa: 1272, 1273, 1274, 1275, 1276 thuộc tờ bản đồ số 8.
Năm 2018, UBND huyện Trảng Bàng ra Quyết định số 6005/QĐ-UBND ngày 10/12/2018 trao tặng nhà tình nghĩa cho bà Luông, thống nhất xây trên một trong các thửa đất được cấp sổ. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức đổ nền, xây móng nhà tình nghĩa thì bị gia đình ông Võ Văn Lặc gồm: Võ Thành Danh, Võ Văn Thạnh, Dương Kim Quí (con ông Lặc) đứng ra ngăn cản với lý do là phần đất xây nhà tình nghĩa này là của họ! Phía ông Lặc còn đưa ra Giấy CNQSDĐ được cấp năm 1993 để buộc ông Quăng trả lại mảnh đất đang ở.
Sự việc phát sinh bất ngờ nhưng trước sức ép từ nhiều phía, nhà tình nghĩa cuối cùng cũng xây dựng xong. Gia đình ông Đúng, bà Luông còn được UBND xã Bình Thạnh đề nghị UBND huyện Trảng Bàng công nhận quyền sử dụng đất các thửa nêu trên cho gia đình. Vì vậy, năm 2005, ông Quăng được UBND huyện Trảng Bàng cấp GCNQSDĐ toàn bộ diện tích như đã nói.
Tuy nhiên, sự việc trở nên rắc rối khi phía ông Võ Văn Lặc và các con lại đưa ra một Giấy CNQSDĐ được cấp năm 1993, trước thời điểm ông Quăng được cấp sổ 12 năm, trong đó những thửa đất mà ông Quăng được cấp sổ lại nằm trong phần liệt kê thửa đất trong Giấy CNQSDĐ của ông Lặc!
Trước tình thế bị phía ông Lặc gây khó khăn trong quá trình sử dụng đất, buộc ông Đặng Văn Quăng khởi kiện ra TAND tỉnh Tây Ninh để giải quyết.
Ngày 19/7/2022, TAND tỉnh Tây Ninh đưa vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và Yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa ông Đặng Văn Quăng và ông Võ Thành Danh, ông Võ Văn Thạnh, bà Dương Kim Quí ra xét xử sơ thẩm. Ngày 22/12/2022, TAND cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Cả hai phiên tòa, ông Quăng bị bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện, thậm chí tòa còn phán quyết hủy 05 GCNQSDĐ do UBND huyện Trảng Bàng cấp ngày 01/12/2005 cho ông Đặng Văn Quăng do phía bị đơn phản tố.
Một mảnh đất có… 3 nguồn gốc!
Qua xem xét hồ sơ và theo dõi quá trình tố tụng, chúng tôi nhận thấy TAND tỉnh Tây Ninh và TAND cấp cao tại TP.HCM chỉ căn cứ vào lời khai một phía từ gia đình ông Võ Văn Lặc mà không xem xét nhiều chứng cứ xác đáng mà bị đơn là ông Đặng Văn Quăng cung cấp. Cụ thể, về nguồn gốc đất, tòa không lấy căn cứ theo UBND xã Bình Thạnh tại Tờ trình ngày 4/9/2002 và Báo cáo số 06/BC-UB ngày 09/4/2003 xác định nguồn gốc mảnh đất ông Quăng đang sử dụng trước năm 1975 là của địa chủ Vương Thị Đồn. Năm 1979, UBND xã Bình Thạnh đã giao cho cha ông Quăng diện tích 3.304 m2 gồm 5 thửa để canh tác, sử dụng theo diện chính sách. Trong khi đó, tòa lại căn cứ vào Công văn số 75/UBND của UBND thị xã Trảng Bàng ngày 09/3/2021 cho rằng nguồn gốc đất là của ông Võ Văn Lặc tạo dựng. Còn tại Bản án của TAND tỉnh Tây Ninh thì nêu nguồn gốc đất là của bà Nguyễn Thị Nhựt (mẹ của ông Lặc). Điều này đã làm sai lệch hoàn toàn bản chất của vụ án và đẩy gia đình ông Quăng vào nguy cơ mất đất.
Theo tìm hiểu, ngày 16/3/1997, những người con của ông Lặc đã lập ra một tờ giấy cam kết, buộc mẹ con ông Quăng chấp nhận là người ở nhờ trên đất của họ. Điều đáng nói nữa là tòa 2 cấp thừa nhận những người con của ông Lặc lập tờ cam kết là đại diện thừa kế di sản của ông Lặc, trong khi vào thời điểm lập tờ cam kết thì ông Lặc vẫn còn sống. Để hợp pháp hóa tờ cam kết là phù hợp nên tại tòa những người con của ông Lặc đã khai cha mình chết năm 1994 là không đúng với Giấy chứng tử của ông Lặc ngày 16/10/1997. Đó là sự gian dối cần được xem xét!
Những nghi vấn xung quanh quyển “sổ đỏ” liệt kê 29 thửa đất!?
Trở lại quyển “sổ đỏ” mà ông Võ Văn Lặc được cấp năm 1993, ít nhất có các dấu hiệu bất thường. Cụ thể:
Thứ nhất, Giấy CNQSDĐ này có 2 trang liệt kê danh sách các thửa đất, nhưng mỗi trang lại có phần đóng dấu ký tên riêng biệt. Cụ thể, trang 2 gồm 15 thửa: 1214, 1215, 1216, 1217, 1218, 1220, 943, 944, 945, 946, 950, 948, 949, 951, 952, trang 3 gồm 14 thửa: 1269, 1270, 1271, 1273, 1274, 1275, 1276, 1272, 1325, 1326, 1328, 1329, 1333, 1327 được Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng Trần Minh Hoạch ký tên đóng dấu từng trang. Tổng cộng Giấy CNQSDĐ có đến 29 thửa với tổng diện tích 27.865m2 (!) Điều này dễ dàng khiến người ta liên tưởng đến việc thêm vào một vài dòng hay “bổ sung” một trang khác vào! Chính vì để chống lại việc thêm thắt tuỳ tiện này nên pháp luật đã quy định tại Thông tư số 302 ngày 28/10/1989 hướng dẫn thi hành quyết định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Tổng cục Quản lý ruộng đất, tại Mục V quy định: “Trang 3: Dùng để ghi một trong những nội dung sau: a) Nếu tổ chức hoặc cá nhân được cấp giấy có diện tích đất đai lớn, nằm trên nhiều tờ bản đồ, có nhiều thửa ruộng thì bằng liệt kê trên trang 2 được kẻ tiếp sang trang 3 và chữ ký của Chủ tịch UBND cũng chuyển theo.”. Đối chiếu với Giấy CNQSDĐ của ông Lặc, tại trang 2 đã hoàn thành phê duyệt các diện tích, ký và đóng dấu nhưng trang 3 lại tiếp tục phê duyệt, ký và đóng dấu thêm một lần nữa!
Thứ hai, các thửa đất mà ông Lặc đưa vào liệt kê để cấp sổ hoàn toàn trùng khớp với các thửa mà ông Quăng được cấp sau này. Như vậy, sẽ có 2 trường hợp xảy ra: Ông Lặc lợi dụng việc dễ dãi không kiểm tra thực tế của cơ quan thẩm quyền mà tự ý kê khai số thửa đất của ông Quăng rồi đưa vào cấp sổ. Trường hợp thứ hai là Giấy CNQSDĐ của ông Lặc đã bị can thiệp, không đúng với bản gốc.
Để tìm hiểu sự thật, ngày 9/2/2023, chúng tôi đã tìm gặp ông Đặng Bá Tòng, người phụ trách địa chính xã Bình Thạnh (nay là xã Phước Bình) giai đoạn năm 1994 đến 2005. Tại cuộc gặp này, ông Tòng cho biết đã phát hiện sự gian dối của ông Lặc khi kê khai đăng ký đất bằng cách đưa tất cả những thửa đất mà ông Quăng đang ở và canh tác vào đăng ký cho mình. “Sau khi phát hiện, tôi đã báo cho ông Quăng và bảo làm đơn khiếu nại nhưng ông Quăng không nghe. Nếu như ông Quăng nghe lời tôi thì bây giờ đâu phải khổ sở đi khiếu kiện tranh chấp”, ông Tòng buồn bã nói. Ông Tòng cũng nói rõ thời điểm đó đất đai giá trị thấp, cơ quan công quyền cũng dễ dãi trong đăng ký cấp sổ nên nhiều khả năng là “ông Lặc chỉ đâu thì cấp đó”! Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ông Đặng Bá Tòng nổi tiếng là người ngay thẳng, làm việc vì dân vì nước. Chính ông đã viết Giấy xác nhận ngày 3/8/2022 để nói rõ việc này với TAND tỉnh Tây Ninh.
Từ những căn cứ trên, thiết nghĩ các cấp thẩm quyền thị xã Trảng Bàng và tỉnh Tây Ninh cần điều tra xác minh lại nguồn gốc đất và quy trình cấp Giấy CNQSDĐ năm 1993 cho ông Võ Văn Lặc. Đối với cơ quan tố tụng, việc xác định lại bản chất của vụ án là rất cần thiết, chỉ cần xem xét việc sử dụng đất của mỗi bên, khi ông Đúng, bà Luông, ông Quăng là người trực tiếp ở và sử dụng đất trên 40 năm, còn ông Lặc thì chỉ sử dụng đất trên… giấy! Vậy thì, việc cấp GCNQSDĐ cho ông Lặc nhiều khả năng chưa đúng với các trình tự quy định của pháp luật! Điều này có thể gây ra oan khuất cho một gia đình chính sách và sự hoài nghi của dư luận trong việc làm dễ dãi của một bộ phận công chức địa phương khi cấp 02 GCNQSDĐ cho cùng một mảnh đất!
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị