Tây Nguyên: Cần nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong phòng, chống sốt xuất huyết
Tây Nguyên: Cần nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong phòng, chống sốt xuất huyết
Từ đầu năm 2023 đến nay toàn tỉnh Kon Tum ghi nhận 19 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) với 43 ca mắc, giảm sâu so với năm trước. Đạt được kết quả trên là sự vào cuộc của ngành Y tế cùng chính quyền địa phương phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp
So với những năm trước, TP Kon Tum đứng đầu danh sách các địa phương về với số ca mắc sốt xuất huyết (SXH), năm 2016 có trên 1.070 ca mắt và gần 900 ca mắc năm 2019. Tuy nhiên, năm nay ghi nhận trên toàn địa bàn có 18 ca mắc sốt xuất huyết. Có được kết quả trên là sự vào cuộc của các cấp ngành, địa phương trong việc đề ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh SXH Dengue một cách hiệu quả cùng sự vào cuộc tích cực của đông đảo người dân.
Theo đó, nhiều hộ gia đình, địa phương tích cực tuyên truyền, triển khai dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh, loại bảo các điểm đọng nước, đồ dùng chứa nước xung quanh nhà nhằm loại bỏ nơi cho muỗi đẻ trúng và diệt lăng quăng/ bọ gậy.
Từ đầu năm 2023 đến nay, xã Xã Đắk HRing, Huyện Đắk Hà chưa ghi nhận ca mắc SXH, đó là kết quả của việc tuyên truyển và thực hiện hiệu quả các biện pháp đề ra.
Chủ tịch UBND xã Đăk Hring Lê Mai Dung cho biết, chính quyền chú trọng công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Các thôn, làng mỗi tháng hai lần thực hiện xử lý các vật dụng chứa nước đọng, phát quang bụi rậm, vệ sinh đường làng ngõ xóm.
Theo nhận định từ cơ quan chuyên môn, những tháng đầu năm số ca mắc sốt xuất huyết thấp do thời tiết, mưa chưa nhiều. Từ tháng 7 đến tháng 11 mùa mưa kéo dài đây cũng là điều kiện để muỗi sinh trưởng, phát triển. Do vậy, các địa phương tiếp tục nắm thông tin, tích cực triển khai có hiệu quả vệ sinh môi trường cùng với diệt lăng quăng/ bọ gậy phòng, chống SXH Dengue.
Ngoài ra, các địa phương đã sẵn sàng các nguồn vật tư y tế đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch khi tình hình dịch có nguy cơ bùng phát.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum Đỗ Ngọc Hòa, ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống sốt xuất huyết. Trong đó chú trọng thông điệp “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy” tại hộ gia đình.
Tại tỉnh Gia Lai, tình hình dịch SXH trên toàn địa bàn có chiều hướng gia tăng cục bộ ở một số địa phương, trong đó các huyện Ia Grai: 161 ca mắc SXH với 68 ổ dịch. Các ca bệnh tập trung tại thị trấn Ia Kha và các xã: Ia Krái, Ia O, Ia Dêr, Ia Tô. Riêng trong tháng 7, huyện ghi nhận 69 ca mắc SXH, tăng 59 ca so với tháng 6.
Tại huyện biên giới Đức Cơ: Đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 354 ca mắc sốt xuất huyết và là địa phương có số ca mắc cao nhất tỉnh Gia Lai. Riêng từ đầu tháng 7/2023 đến nay, huyện biên giới này đã ghi nhận hơn 300 ca mắc SXH. Các ca mắc SXH ghi nhận nhiều nhất tại thị trấn Chư Ty và các xã: Ia Pnôn và Ia Kla.
Trên toàn tỉnh Gia Lai, đến thời điểm hiện tại ngành y tế ghi nhận có trên 1.700 ca mắc SXH với 584 ổ dịch. Hiện có trên 80 ổ dịch đang bùng phát, chưa được khống chế.
Tại tỉnh Đắk Lắk, đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.315 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó riêng huyện Ea H’leo có 277 trường hợp mắc bệnh.
Nghiêm trọng hơn, đầu tháng 8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk xác nhận, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm một trường hợp bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết Dengue. Bệnh nhân là N.Y.N. (nam, SN 1974, trú tại buôn Mnut, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo).
Đắk Lắk bắt đầu vào mùa mưa, CDC tỉnh này đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát véc tơ, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng. Đồng thời khuyến cáo, người dân khi có các biểu hiện sốt cao, đau đầu, rối loạn tiêu hóa với biểu hiện: đau bụng nhiều, nôn nhiều, kém ăn uống… cần sớm đưa đến cơ sở y tế để xét nghiệm, điều trị kịp thời, không tự mua thuốc uống và điều trị tại nhà.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị