Tàu đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của Nhật Bản mất tích sau khi hạ cánh

Tàu đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của Nhật Bản mất tích sau khi hạ cánh

Tàu đổ bộ HAKUTO-R Mission 1 (M1) do công ty ispace sản xuất, mang theo xe tự hành Rashid của Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng ngày 25/4 nhưng đã mất tích sau đó.

Tàu đổ bộ HAKUTO-R Mission 1 (M1) do công ty ispace sản xuất, mang theo xe tự hành Rashid của Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng ngày 25/4 nhưng đã mất tích sau đó.

Cho đến nay, chỉ có các sứ mệnh do chính phủ Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc chủ trì đã hạ cánh thành công trên Mặt trăng. M1, đánh dấu lần đầu tiên Nhật và UAE tìm cách lên mặt Mặt trăng, nhưng không hạ cánh thành công.

Tàu đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của Nhật Bản mất tích sau khi hạ cánh
M1 bên trong tên lửa Falcon 9 của SpaceX.

M1 được phóng vào ngày 11/12/2022 từ Florida (Mỹ) bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX và đi vào quỹ đạo mặt trăng vào ngày 21/3. Theo kế hoạch, sau khi hạ cánh, các xe tự hành trên tàu sẽ nghiên cứu địa chất và đất Mặt Trăng ở một địa điểm chưa được khám phá trước đây. Điểm đến cuối cùng của M1 là miệng núi lửa Atlas, ở rìa ngoài của khu vực Mare Frigoris, một vùng bazan phẳng, rộng và tối, được hình thành bởi các vụ phun trào núi lửa cổ đại. “Đây là khu vực mà chưa có sứ mệnh Mặt trăng nào trước đây khám phá”, Hamid Al-Naimiy, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Sharjah, UAE cho biết.

Tàu bắt đầu quy trình hạ cánh xuống bề mặt từ quỹ đạo, ở độ cao 100 km, lúc 22h ngày 25/4 (theo giờ Việt Nam) sau đó mất liên lạc. ispace cho rằng tàu đã đâm xuống bề mặt Mặt trăng, thay vì hạ cánh “mềm” như kế hoạch. Người sáng lập và Giám đốc điều hành ispace Takeshi Hakamada cho biết: “Chúng tôi đã mất liên lạc, không thể hoàn thành việc hạ cánh. Các kỹ sư của chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra tình hình”.

Ryo Ujiie, giám đốc công nghệ của ispace, cho biết, để đảm bảo hạ cánh chính xác, tàu sẽ kích hoạt cảm biến điều hướng để điều chỉnh độ cao và tốc độ. Đây là bước nhiều rủi ro, vì là lần đầu tiên loại cảm biến này được sử dụng trong môi trường Mặt trăng.

M1 hạ dần độ cao từ 100 km xuống khoảng 25 km so với bề mặt Mặt trăng, di chuyển với tốc độ gần 6.000 km/giờ. Ujiie cho biết ở vận tốc này, việc làm chậm tàu đổ bộ là để hạ cánh “mềm”, chống lại lực hấp dẫn của Mặt trăng, giống như siết phanh một chiếc xe đạp ngay sát mép dốc trượt tuyết. Lần gửi dữ liệu cuối cùng cho thấy M1 cách bề mặt Mặt trăng 90 mét.

Một hệ thống chụp ảnh 360 độ gồm nhiều camera và phần mềm trí tuệ nhân tạo trên tàu đổ bộ M1, được phát triển bởi công ty Canadensys Aerospace có trụ sở tại Canada, liên tục chụp ảnh và giám sát các xe tự hành sau khi hạ cánh. Các dữ liệu này chưa được công bố.

Tàu đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của Nhật Bản mất tích sau khi hạ cánh
M1 phóng đi từ Florida.

Theo kế hoạch ban đầu, sau khi hạ cánh, tàu đổ bộ sẽ sạc lại pin trước khi “giải phóng” 2 xe tự hành mang theo, xe tự hành Rashid của Trung tâm vũ trụ Mohammed bin Rashid (MBRSC) và robot hai bánh của Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA).

Sau khi được triển khai, Rashid sẽ di chuyển trong vòng vài trăm mét so với tàu đổ bộ, vẫn ở trong miệng núi lửa Atlas – Sara AlMaeeni, kỹ sư về hệ thống liên lạc của Rashid, cho biết. Xe tự hành dài khoảng 50 cm và nặng chỉ 10 kg, sẽ sử dụng máy ảnh siêu nhỏ của nó để nghiên cứu các hạt trong đất và sử dụng máy ảnh nhiệt để quét các đặc tính địa chất của bề mặt Mặt trăng.

Trong khi đó, robot của JAXA, có kích thước chỉ bằng quả bóng tennis, sẽ thu thập dữ liệu vật liệu bề mặt, bao gồm cát Mặt trăng hay regolith, để giúp phát triển công nghệ lái xe tự hành trong tương lai.

Hiểu được địa chất của Mặt Trăng luôn là mối quan tâm của các sứ mệnh bởi nó sẽ làm cho việc khám phá các khu vực rộng lớn trên Mặt trăng trở nên rẻ hơn và dễ dàng hơn. Dữ liệu do xe tự hành của UAE thu thập cũng sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu hệ Mặt trời do bề mặt của Mặt trăng có những dấu vết về hệ Mặt trời sơ khai.

Rashid cũng sẽ nghiên cứu bụi Mặt trăng – một loại bụi rất mịn và có các cạnh sắc nhọn, giống như thủy tin, có thể ảnh hưởng đến thiết bị của các phi hành gia và tàu đổ bộ. Giải pháp loại bỏ bụi Mặt trăng là một bước quan trọng trong việc thiết lập các trạm vũ trụ lâu dài trên bề mặt. “Thí nghiệm này sẽ giúp chúng tôi xác định vật liệu phù hợp để phát triển phần cứng cho các sứ mệnh Mặt trăng trong tương lai”, theo AlMaeeni.

ispace đang phát triển các sứ mệnh Mặt trăng tiếp theo, dự kiến phóng vào năm 2024 và 2025. “Chúng tôi sẽ mang theo xe tự hành của riêng mình và có thể thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học hơn”, Ujiie nói.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích