Tàu điện – Nét đẹp văn minh đô thị
(Xây dựng) – Nếu như thế kỷ trước, tiếng leng keng tàu điện đã đi vào ký ức bao người thì từ hôm nay, hình ảnh tươi sáng của con tàu màu xanh lá cây lướt êm ru không khói bụi, chẳng tiếng ồn sẽ đi vào ký ức của thế hệ trẻ Hà Nội kỷ nguyên 4.0.
Trong khi không ít ý kiến trên mạng xã hội còn hoài nghi, thậm chí bỉ bôi sự kiện tàu điện đô thị đi vào hoạt động giữa mùa dịch… thì hầu hết người dân Thủ đô đều cảm thấy ưng ý và thú vị khi trải nghiệm phương tiện giao thông mới này.
Khai trương vào ngày nghỉ cuối tuần đầu tháng 11, việc người dân Hà Nội chen chúc xếp hàng đi thử hành trình tuyến tàu điện đầu tiên của Hà Nội (Cát Linh – Yên Nghĩa) trong lúc nguy cơ về dịch Covid -19 vẫn còn cao thực sự cũng đáng là nỗi lo lắng của nhiều người.
Tuy nhiên, trong khi cả thế giới đang tìm cách thích nghi với cuộc sống tồn tại cả dịch bệnh thì sẽ là không công bằng nếu như công trình đầu tư nhiều tỷ đồng, thi công trong nhiều năm nay đã hoàn thành lại phải nằm im chờ đợi để đi vào sử dụng mà không biết chờ đến bao giờ.
Có mặt tại ga Cát Linh trong những ngày này, chúng tôi ghi nhận không có cảnh chen chúc nhau như 2 ngày cuối tuần khai trương nhưng các chuyến tàu, các toa tàu ngược xuôi khá nhộn nhịp và vui mắt.
Hành khách tập trung vào giới trẻ tầm tuổi sinh viên và những người làm việc tại cơ quan công sở. Không khó để nhận thấy sự hài lòng trên gương mặt của mọi người. Hầu hết đều có chung một cảm nhận tàu chạy nhanh, êm, không khí khá thoải mái dễ chịu.
Là một trong những khách mua vé tháng tại ga Hà Đông, anh Trần Văn Cường ở phố Quang Trung (quận Hà Đông) chia sẻ, từ khi tuyến tàu điện này bắt đầu chở khách miễn phí, anh đã chọn làm phương tiện đi làm, thay vì đi ô tô cá nhân như trước. Theo anh Cường, nhà cách ga Văn Khê chưa đầy 300 m, trong khi cơ quan anh cách ga La Thành chỉ gần 1 km, nên việc đi lại bằng tàu điện rất thuận tiện. Sáng anh Cường chỉ mất chưa đầy 4 phút là ra đến ga tàu điện. Từ điểm dừng đến cơ quan chỉ mất thêm chưa đầy 10 phút nên anh chọn cách này vì thuận tiện và nhất là giảm chi phí.
Không chỉ với những người ở gần tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bỏ xe cá nhân đi tàu điện, ngay cả những người cách tuyến tàu điện đến 5 – 7 km cũng chọn phương án tiếp cận kết nối với tàu điện qua xe cá nhân.
Là người đã từng trải nghiệm hệ thống metro của Nhật Bản, Trung Quốc, cá nhân tôi cảm nhận tàu điện của Hà Nội không hoành tráng và quy mô như các nước có điều kiện kinh tế tốt nhưng khá phù hợp với đô thị Hà Nội cũng như thói quen sinh hoạt của người Việt: đó là tính tiện ích. Không có cảnh đi bộ rã chân trong ga mới tới cửa lên tàu; Không có giăng mắc các tuyến tàu khiến người lạ bỡ ngỡ ngác ngơ; không phải là hành trình đi trong lòng đất, đơn thuần “đi để đến” mà là trải nghiệm được “lướt trên mái phố”.
Trên hành trình ấy, cảm giác thực sự được du lịch một góc nhìn Hà Nội ở tầm trung, tương đương chiều cao của những ngôi nhà 3 – 4 tầng. Những lô xô mái phố, những cũ kỹ tập thể Thanh Xuân phủ rêu ngoài chuồng cọp; những nhộn nhịp đường mới mở… rất khó có được cảm nhận nếu không phải là từ con tàu trên cao.
Có thể khẳng định rằng sự hiện diện của đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bản thân nó đã là điểm nhấn đẹp tô điểm cho đường phố Hà Nội. Nếu như thế kỷ trước, tiếng leng keng tàu điện đã đi vào ký ức bao người thì từ hôm nay, hình ảnh những gam màu tươi sáng của con tàu màu xanh lá cây lướt êm ru không khói bụi và tiếng ồn sẽ đi vào ký ức của thế hệ trẻ kỷ nguyên 4.0.
Thêm nữa, 12 nhà ga mang tên địa bàn dừng: Cát Linh – La Thành – Hoàng Cầu – Thái Hà – Láng – Phùng Khoang – Vành đai 3 – Văn Quán – Hà Đông – La Khê – Văn Khê – Yên Nghĩa là những gam màu tươi mới dễ nhận biết từ các chi tiết thiết kế mái vòm đến nguyên liệu ốp. Sắc vàng cam từ trụ xây trên lòng sông Tô Lịch đến tấm trần ánh sáng – ấy là ga Láng; Rực rỡ sắc trắng đỏ ga Hoàng Cầu; Xanh cốm ga La Khê…
Trái với ý kiến của nhiều “bình luận viên bàn phím”, dự án đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội đưa vào hoạt động được nhiều kiều bào đang sống và học tập ở nước ngoài đánh giá khá ổn. Anh Brian Nguyễn bày tỏ: ‘nên ủng hộ những tư duy phát triển đất nước, rất cần thêm những tuyến tàu như này để giải quyết vấn đề nóng giao thông hiện nay, hạn chế ô nhiễm môi trường và kẹt xe. Tôi mong một ngày về Việt Nam đi tuyến tàu đô thị này”.
Ghi nhận tại các ga Cát Linh, Yên Nghĩa, Văn Quán, Thượng Đình… trong tuần đầu tiên khi đường sắt đô thị tiến hành bán vé thương mại, người mua vé đi tàu khá đông. Nhiều người đã chọn mua vé tháng để đi lại hàng ngày. Trong tuần đầu tiên đường sắt đô thị chính thức bán vé, mỗi ngày tăng từ 5-10% lượng người mua vé tháng. Đây chính là mục tiêu của tuyến đường sắt đô thị khi đưa vào khai thác, góp phần hạn chế đi lại bằng xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.
Để tạo điều kiện cho hành khách thuận tiện tiếp cận đi tàu điện, Hà Nội bố trí điểm trông giữ xe tại các ga, trong đó tại ga Cát Linh và Yên Nghĩa (chiếm 52% đi lại) đã bố trí bãi đỗ xe riêng. Các ga còn lại đã và đang được Sở GTVT bố trí điểm đỗ xe thuận tiện nhất cho khách đi tàu. Ngoài ra, để tăng cường kết nối, tạo thuận lợi cho khách đi tàu, Hà Nội bố trí hơn 50 tuyến buýt dọc tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông với các điểm dừng đỗ gần các ga lên xuống. Con số này bằng gần 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội.
Đây mới chỉ là một tuyến đơn độc nên chưa hình thành mạng lưới xương sống đường sắt đô thị. Khi nào Hà Nội hình thành được mạng lưới phương tiện công cộng nhanh, sức chở lớn cơ bản với 5 – 6 tuyến đường sắt đô thị, khi đó việc vận hành sẽ bài bản hơn và chắc chắn rằng lượng người sử dụng đi trên mỗi tuyến sẽ tự tăng nhanh chóng.
Nguồn: Báo xây dựng