Tập trung xây dựng mã số vùng trồng rau để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc
Những ngày qua, báo chí đã thông tin vụ rau VietGAP “dỏm” tuồn vào siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh đã phần nào bóc trần những doanh nghiệp phù phép rau không rõ nguồn gốc thành rau đạt chuẩn, rau sạch, để rồi những siêu thị, chuỗi hệ thống bán lẻ là mắt xích trung gian đưa nông sản kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Tập trung xây dựng mã số vùng trồng rau sạch đạt chuẩn
Liên quan đến vụ rau VietGAP “dởm” này, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết thời gian tới sẽ tập trung xây dựng mã số vùng trồng để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, rà soát lại tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có trên 40 tổ chức được cấp đủ điều kiện chứng nhận sự phù hợp. Nếu đơn vị nào cấp chứng nhận VietGAP mà không đánh giá đầy đủ sẽ bị xử phạt từ 100 đến 150 triệu đồng; thậm chí bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.
Về thẩm quyền thanh tra, xử lý, đại diện Cục Trồng trọt cho biết cũng gồm rất nhiều đơn vị. Ví dụ như thanh tra cấp bộ, lực lượng quản lý thị trường, công an, biên phòng, hải quan, chủ tịch các tỉnh, TP, thậm chí chủ tịch cấp xã… đều được quyền xử phạt hành vi nói trên.
Cần tập trung xây dựng mã số vùng trồng để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, rà soát lại tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP. Ảnh minh họa
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, việc kiểm soát chất lượng rau VietGAP ngoài cơ quan quản lý Nhà nước còn có trách nhiệm của doanh nghiệp. Hiện Cục đang tập trung rà soát lại các tiêu chuẩn VietGAP nhằm đưa ra những quy định mới trong chứng nhận.
Đánh giá vấn đề rau không đạt tiêu chuẩn VietGAP tuồn vào siêu thị không sớm thì muộn sẽ xảy ra bởi sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, giám sát, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết, các doanh nghiệp trong Hiệp hội hạn chế mua sản phẩm từ nhà cung cấp trung gian. Nguyên nhân là bởi khó quản lý được đầu vào.
Theo bà Vũ Thị Hậu, để kiểm tra, kiểm soát được thì phải tổ chức kiểm tra chéo. Ở đây chính quyền địa phương, nơi có cơ sở sản xuất là hiểu rõ nhất. Do đó, chính quyền các địa phương cần có trách nhiệm, vai trò quản lý, giám sát cao hơn, thậm chí điều này cần phải đặt lên hàng đầu.
Theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung xây dựng mã số vùng trồng để cấp mã số vùng trồng nhằm quản lý được chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Bộ cũng đã ban hành tài liệu hướng dẫn cho địa phương phối hợp với VNPT để xây dựng phần mềm thực hiện cấp mã số vùng trồng trực tuyến.
Việc cấp mã số này cũng giao cho địa phương thực hiện, trong đó có quy định rõ điều kiện cấp mã vùng trồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh có nhu cầu. Việc này là khuyến khích chứ không bắt buộc. Khi được cấp mã vùng trồng, chúng ta có thể truy xuất được nguồn gốc, địa điểm, sản lượng, thời gian trồng và thu hoạch…
Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sẽ bàn với đại lý, chợ đầu mối lớn, chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn cùng với Bộ và các địa phương ưu tiên tiêu thụ những sản phẩm được cấp mã số vùng trồng. “Nếu làm được như vậy, tôi nghĩ doanh nghiệp, các chợ đầu mối sẽ rất ủng hộ. Kết nối được việc này sẽ tạo ra động lực cho nông dân trong việc khai báo, xin cấp mã vùng trồng trọt…” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ quan điểm.
Cũng theo tư lệnh ngành nông nghiệp, nếu chỉ dừng ở khuyến khích mà không mang lại lợi ích gì về kinh tế, mà còn phiền phức thêm về khai báo, chắc sẽ không ai làm. Do đó, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo rất quyết liệt và giao cho Cục Trồng trọt phối hợp tổ chức gặp mặt, liên kết, kết nối với các địa phương, doanh nghiệp, hướng đến việc làm sao sản phẩm được cấp mã số vùng trồng sẽ được ưu tiên vào chợ đầu mối, doanh nghiệp phân phối lớn…
Tiêu chí để đánh giá sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap là gì?
VietGAP là viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices, có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam. Tiêu chuẩn này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi.
VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.
Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất: Quy định cụ thể về kỹ thuật sản xuất từ khâu chọn đất, giống, phân bón cho đến thu hoạch theo đúng quy định cụ thể cho từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
An toàn thực phẩm: Gồm các biện pháp được dùng để đảm bảo thực phẩm không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch, tuyệt đối an toàn khi đến tay người tiêu dùng.
Môi trường làm việc: Đất canh tác tốt, đầy đủ nguồn nước đảm bảo đúng tiêu chuẩn nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân.
Truy tìm nguồn gốc sản phẩm: Tiêu chuẩn này cho phép người tiêu dùng dễ dàng xác định được sản phẩm qua quá trình từ nguồn giống đến khi thành phẩm và đưa ra thị trường. Đồng thời qua truy xuất nguồn gốc, người dùng sẽ biết đầy đủ thông tin chính xác về doanh nghiệp sản xuất.
Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP là các sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng các hóa chất và các chất độc hại với cơ thể con người cũng như môi trường. Các sản phẩm được sản xuất và thu hoạch đúng quy trình, có nguồn thông tin truy xuất rõ ràng.
Tiêu chuẩn VietGAP gồm: Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất; Giống và gốc ghép; Quản lý đất và giá thể; Phân bón và chất phụ gia; Nước tưới cho cây trồng; Hóa chất (gồm phân vô cơ và thuốc BVTV); Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; Quản lý và xử lý chất thải; An toàn lao động; Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; Kiểm tra nội bộ; Khiếu nại và giải quyết khiếu nại
An Dương (T/h)