Tập trung xây dựng, đảm bảo tiến độ các văn bản pháp luật
(Xây dựng) – Ngày 8/4, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2024. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị. |
Quý I/2024 đạt nhiều kết quả tích cực
Theo báo cáo, tính đến ngày 5/4/2024, Bộ Xây dựng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 60 nhiệm vụ, đang được triển khai thực hiện. Đến nay, Bộ đã hoàn thành 17/60 nhiệm vụ. Số nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai thực hiện (trong hạn) là 21/60 nhiệm vụ. Số nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai thực hiện (không xác định thời hạn) là 20/60 nhiệm vụ. Đối với các nhiệm vụ được chuyển tiếp từ năm 2023 giao, Bộ Xây dựng vẫn đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Bộ đã trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định; ban hành theo thẩm quyền 03 Thông tư; khẩn trương lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội theo trình tự luật định, bao gồm các dự án luật: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Cấp, thoát nước.
Bên cạnh đó, để đảm bảo việc thi hành Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 được đồng bộ và thống nhất, Bộ Xây dựng đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm tuân thủ theo quy định (bao gồm 5 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 3 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng).
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị. Đã trình và đang tiếp tục hoàn thiện báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành: Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, ngập lụt theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Bộ cũng đã tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc; thực hiện công tác thẩm định nhiệm vụ quy hoạch và đồ án quy hoạch đảm bảo chất lượng; tiếp tục theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng nông thôn mới tại 3 tỉnh: Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau…
Về công tác quản lý phát triển đô thị, Bộ khẩn trương đôn đốc tư vấn cập nhật tiếp thu 20/21 ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định vào dự thảo Báo cáo thẩm định Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, thành lập Tổ công tác của Bộ Xây dựng tham gia thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đô thị cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.
Rà soát, đánh giá tiêu chí và tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với các khu vực dự kiến thành lập phường tại các địa phương; thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành đề án phân loại đô thị…
Về công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật, Bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị; nghiên cứu thành lập Cổng thông tin giám sát trực tuyến về chỉ số cấp nước và chất lượng nước sạch của Hệ thống cấp nước và điều chỉnh Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2035; yêu cầu các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung chỉ đạo ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long theo Công điện số 19/CĐ-TTg ngày 08/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương nghiên cứu soạn thảo và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật đảm bảo tiến độ và chất lượng trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Trong đó, tích cực triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ của Thường trực Tổ công tác theo Quyết định 1435/QĐ-TTg; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Về công tác quản lý vật liệu xây dựng, Bộ đã tổ chức Hội nghị công bố “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Tăng cường rà soát, quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã ban hành theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng…
Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong quý I, bước sang quý II/2024, Bộ Xây dựng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm phạm pháp luật và đề án theo Chương trình đã đề ra, bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thiết lập hành lang pháp lý đủ sức tăng cường kỷ cương trong công tác quy hoạch, kiến trúc và quản lý phát triển đô thị, nông thôn.
Tập trung triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất và đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp trên địa bàn, cải tạo nhà chung cư cũ…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Năm 2024, ngành Xây dựng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ quý II/2024 và các tháng cuối năm, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ bám sát nhiệm vụ thường xuyên của từng cơ quan, đơn vị.
Trong đó, tập trung công tác xây dựng pháp luật; đảm bảo tiến độ, chất lượng, tính khả thi, đồng bộ của hệ thống pháp luật; khẩn trương triển khai việc nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bám sát tiến độ theo đúng Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đề án của Bộ năm 2024.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Nghiên cứu, soạn thảo Luật Quản lý và phát triển đô thị; Luật Cấp, thoát nước theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Tập trung xây dựng và hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023; 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ; các Thông tư…
Đồng thời, rà soát, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, tiêu chí về đô thị; phân định rõ trách nhiệm ban hành. Rà soát các văn bản hiện có để đáp ứng các yêu cầu trong thực tế. Thực hiện công tác thẩm định phải chặt chẽ, đúng quy định, đúng thời hạn.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Tập trung phát triển nhà ở xã hội; đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho địa phương; thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, người có công với cách mạng… Về đầu tư công, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị triển khai chặt chẽ theo quy định của pháp luật; tập trung, hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao.
Kiện toàn bộ máy tổ chức nhân sự của các đơn vị; tập trung triển khai chuyển giao các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp theo đề án được duyệt, đảm bảo đúng quy định.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung tháo gỡ khó khăn về sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng. Các đơn vị đào tạo tăng cường công tác quản lý về đầu tư, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Các doanh nghiệp quản lý chặt chẽ việc đầu tư, sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.
Bộ trưởng cũng yêu cầu tập trung công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định; tăng cường công tác hợp tác quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp; chú trọng công tác đảng, đoàn thể…
Nguồn: Báo xây dựng