Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng
(Xây dựng) – Ngày 14/4/2023, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I/2023, nhiệm vụ trọng tâm quý II và các tháng cuối năm 2023 ngành Xây dựng. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh; Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam Nguyễn Thị Thủy Lệ cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Báo Xây dựng, Tạp chí Xây dựng, Trung tâm thông tin và các doanh nghiệp thuộc Bộ…
Cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra
Theo báo cáo tại Hội nghị, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội số: 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; số 69/2022/QH15 về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, Chương trình hành động của Bộ gồm 10 nhiệm vụ, giải pháp; 13 chỉ tiêu; 81 nhiệm vụ cụ thể thuộc tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Trong quý I/2023, Bộ Xây dựng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 68 nhiệm vụ. Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành 13/68 nhiệm vụ (đạt 19,12%); số nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai thực hiện là 55/68 (đạt 80,88%), không có nhiệm vụ quá hạn. Đối với các nhiệm vụ được chuyển tiếp từ năm 2022 giao, Bộ vẫn đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch.
Đối với công tác hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng, Bộ Xây dựng, trong quý I/2023, Bộ Xây dựng đã triển khai soạn thảo, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án năm 2023 theo Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hàng tháng và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ Xây dựng năm 2023; các nhiệm vụ chuyển tiếp năm 2022 và các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Về công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, trong 3 tháng đầu năm 2023, Bộ đã thẩm định, tổ chức thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ 02 Nhiệm vụ và 09 Đồ án; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quy hoạch xây dựng được phân công theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Kế hoạch tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ban hành theo Quyết định số 417/QĐ-TTg và Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng quản lý phát triển đô thị (PTĐT) theo quy hoạch được duyệt…
Về công tác PTĐT, tính đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 888 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV và 690 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đến hết năm 2022 tính theo khu vực nội thành/nội thị ước đạt 41.7%; tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị ước đạt 53.7%.
Nhằm quản lý hiệu quả quá trình PTĐT, Bộ Xây dựng đang tổ chức lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định vào quý II/2023. Bộ cũng đang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến phát triển mô hình đô thị như: PTĐT thông minh, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị tăng trưởng xanh giai đoạn đến 2030.
Về công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật, Bộ tiếp tục đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục triển khai nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị; Nghị định 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; nghiên cứu triển khai xây dựng Quy chuẩn thay thế QCVN 07:2016/BXD về các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Đối với công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2; đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22.565.000m2.
Bộ cũng đã hoàn thiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân Khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, Bộ tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà ở sửa đổi; triển khai xây dựng Nghị định về trình tự thủ tục dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức thành công “Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng, trình và được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững…
Về công tác quản lý vật liệu xây dựng (VLXD), Bộ tập trung hoàn thiện “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; tổ chức triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung năm 2030; rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực VLXD và khoáng sản làm VLXD; tham gia Đề án xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vật liệu Việt Nam thời kỳ 2020 – 2030, tầm nhìn 2045 của Ban Kinh tế Trung ương…
Toàn cảnh Hội nghị. |
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong quý I, bước sang quý II/2023 và các tháng cuối năm 2023, Bộ Xây dựng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án theo kế hoạch đã đề ra, bảo đảm chất lượng, tiến độ; đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch ngành quốc gia; hoàn thiện hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch PTĐT; tăng cường kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về phân loại đô thị, quản lý đầu tư PTĐT; đẩy mạnh quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, nhất là ở thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; đôn đốc các địa phương tập trung triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân Khu công nhân giai đoạn 2021 – 2030” theo Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường VLXD; tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 04/2021/TT-BXD hướng dẫn về xuất khẩu khoáng sản làm VLXD; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030; thực hiện Chỉ thị về đẩy mạnh xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD…
Đồng thời, Bộ tiếp tục triển khai Chỉ thị số 08/CT-BXD về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội; tập trung, hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023…
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp cũng đã đề xuất, kiến nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng một số giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình công tác quý II/2023 và các tháng cuối năm 2023 của ngành Xây dựng liên quan đến xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật; quản lý hoạt động đầu tư xây dựng…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu năm 2023 theo kế hoạch và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, xác định năm 2023 còn nhiều khó khăn, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của quý II/2023 và các tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục bám sát 3 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra về xây dựng pháp luật, quy hoạch đô thị, về nhà ở và thị trường bất động sản, đặc biệt quan tâm về NƠXH, nhà ở cho công nhân cũng như bám sát kế hoạch đặt ra cho năm, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng; tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số; duy trì phối hợp tốt giữa các đơn vị thuộc Bộ, giữa các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng với các Bộ ngành khác và các địa phương; quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng Đảng, công tác cải cách hành chính, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong từng đơn vị; rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn trong đó có quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy; xử lý vướng mắc liên quan đến quy hoạch không gian ngầm; tiêu chuẩn về đô thị thông minh.
Đối với thị trường bất động sản, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP; Nghị quyết 11/NQ-CP; Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân Khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” theo Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc, thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các đơn vị trong Ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng; hoàn thiện cơ chế, công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng; chuẩn bị hoàn thiện để trình phê duyệt quy hoạch khai thác khoáng sản làm VLXD, nghiên cứu cát biển làm vật liệu san lấp, vật liệu thay thế; rà soát các nội dung, sự kiện hợp tác quốc tế; tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; công tác thanh tra…
Nguồn: Báo xây dựng