Tập huấn mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc cho doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang
Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Vĩnh Lạc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Kiên Giang khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động truy xuất nguồn gốc và cho rằng, hoạt động này đáp ưng nhu cầu tất yếu của thị trường, giúp các bên liên quan truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác, là cánh cửa cho hàng hoá Việt Nam xâm nhập vào các thị trường khó tính, là chìa khoá lòng tin cho khách hàng.
“Thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp có thể nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời sự cố xảy ra đối với sản phẩm, kịp thời thực hiện hành động thu hồi hoặc loại bỏ sản phẩm khỏi chuỗi cung ứng. Có thể nói truy xuất nguồn gốc đang từng bước trở thành công cụ đắc lực góp phần quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có hiệu quả và bảo vệ người tiêu dùng”, ông Lạc nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc Sở KH&CN Kiên Giang, dù hoạt động truy xuất nguồn gốc còn khá mới nhưng đã và đang được triển khai nhanh chóng. Triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Sở KH&CN được UBND tỉnh giao là cơ quan thường trực giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc; triển khai kế hoạch thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh.
Thực hiện Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 07/4/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” tỉnh Kiên Giang năm 2021, Sở KH&CN phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia tổ chức khóa tập huấn hướng dẫn sử dụng mã số mã vạch và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa để cung cấp kiến thức về sử dụng mã số mã vạch và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp, tổ chức và các các nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đến từ Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã giới thiệu tổng quan về mã số mã vạch và ứng dụng mã số mã vạch trong thực tiễn; Tổng quan về truy xuất nguồn gốc và thực trạng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá ở Việt Nam; Hướng dẫn triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia cho các doanh nghiệp tại địa phương…
Cũng trong buổi tập huấn, các đơn vị, doanh nghiệp và hợp tác xã được hướng dẫn xây dựng quy trình quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc trên hệ thống truy xuất NBC-Trace và giới thiệu hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử https://trace.gov.vn và một số mô hình TXNG của doanh nghiệp đã triển khai thành công tại một số địa phương như TXNG đào trồng Sơn La, cà phê Vĩnh Hiệp… cũng được các chuyên gia chia sẻ như một minh chứng trực quan tại hội thảo.
Theo Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, trong năm 2021 đơn vị này đã triển khai hội thảo, đào tạo về nội dung mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc cho hơn 10 tỉnh, thành trên cả nước. Đây cũng là nội dung quan trọng trong mục tiêu của Đề án 100 là nâng cao nhận thức xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan.
Hà Thủy