Tập đoàn Đèo Cả với cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh

(Xây dựng) – Nhiều giải pháp liên tục được Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu đề xuất với tinh thần quyết tâm triển khai thực hiện thành công dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng). Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh – huyện Văn Lãng – tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao QL3 thuộc xã Chí Thảo – huyện Quảng Hòa – tỉnh Cao Bằng.

Tập đoàn Đèo Cả  với cao tốc  Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, đại diện nhà đầu tư thực hiện nghi lễ khởi công cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được triển khai theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/h, bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17 m đối với các đoạn thông thường và 13,5 m đối với các đoạn phức tạp. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng, được thực hiện bởi liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.

Ban đầu, dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, được Bộ GTVT lập quy hoạch có chiều dài 144 km, với tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Đây là dự án rất khó về yếu tố kỹ thuật bởi địa hình hiểm trở, đặc biệt là suất đầu tư rất lớn, lưu lượng thấp dẫn đến bài toán hoàn vốn khó khăn. Ngoài ra, việc triển khai dự án gặp vướng mắc khi các Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn Luật PPP chưa hoàn thiện, thủ tục triển khai dự án bị kéo dài… Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.

Tập đoàn Đèo Cả  với cao tốc  Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Thủ tướng Chính phủ nghe giới thiệu về mô hình kết cấu hầm đường bộ trên tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Năm 2018, theo lời mời của tỉnh Cao Bằng tham gia nghiên cứu triển khai dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất điều chỉnh hướng tuyến với nhiều hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn được 23 km chiều dài tuyến xuống còn 121 km, giảm tổng mức đầu tư toàn dự án xuống còn gần 23.000 tỷ đồng, tương đương giảm gần một nửa so với phương án ban đầu.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu cảnh quan, văn hoá vùng Đông Bắc để phối hợp với tỉnh Cao Bằng tổ chức thi tuyển các phương án kiến trúc lần đầu tiên tại Việt Nam cho một dự án hạ tầng giao thông với mục tiêu tạo điểm nhấn, kích cầu lưu lượng khi hoàn thành dự án… Nhiều giải pháp được nhà đầu tư này đưa ra để Đồng Đăng – Trà Lĩnh khả thi thực hiện.

Là dự án điểm đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), vào ngày đầu tiên của năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, đánh dấu mốc quan trọng trên hành trình hiện thực hoá con đường cao tốc nối liền hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, tạo ra cú hích thúc đẩy hơn nữa tinh thần “chỉ tiến không lùi” cho ngành Giao thông.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị xây dựng tuyến đường này với tinh thần chiến thắng Đông Khê, phấn đấu cuối năm 2025, đầu năm 2026 thông xe toàn tuyến: “Việc hoàn thành dự án này góp phần hoàn thành mục tiêu mà hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đã đề ra trong Đại hội vừa qua và cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII. Với tinh thần như vậy, tôi tuyên bố khởi công cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh và gọi là chiến dịch Đông Khê năm 2024. Mà làm chiến dịch thì khác với làm bình thường, ứng xử của chiến dịch khác với bình thường. Chiến dịch Đông Khê năm 2024 phải chiến thắng vào năm 2026″.

Thủ tướng đánh giá cao nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả khi làm việc lấy lợi ích dân tộc, quốc gia trên hết: “Tôi rất hài lòng sự vào cuộc quyết liệt của Cao Bằng, Lạng Sơn, đặc biệt là nhà đầu tư Đèo Cả làm việc với một tinh thần tiến công, luôn luôn đổi mới sáng tạo, vượt nắng thắng mưa, chiến thắng đại dịch”.

Thay mặt liên danh nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ các Bộ ngành, các địa phương là tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lạng Sơn đã đồng hành kiên định tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy dự án.

Để làm tốt dự án này, Tập đoàn Đèo Cả với vai trò đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư đã đưa ra mô hình thực hiện dự án PPP++ mà nhà thầu đồng thời là nhà đầu tư, cùng triển khai thi công dự án theo mô hình tổng thầu EC và EPC.

Tập đoàn Đèo Cả  với cao tốc  Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Phối cảnh Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Mô hình này là sáng kiến đúc kết kinh nghiệm 15 năm Tập đoàn Đèo Cả đầu tư, thi công, quản lý vận hành các dự án giao thông quy mô lớn được triển khai theo phương thức đầu tư PPP, đầu tư công. Phương thức này sẽ góp phần tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án. Bên cạnh đó, lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án.

Theo mô hình PPP++, vốn đầu tư dự án được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án. Cụ thể: P1 là phần vốn ngân sách Nhà nước đóng góp bao gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương với tỷ lệ vốn Nhà nước góp trên 50% và tối đa 70%. P2 là vốn chủ sở hữu đến từ các DN tư nhân và DN Nhà nước. P3 vốn huy động từ tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng BBC, nguồn vốn nước ngoài…

“Tập đoàn Đèo Cả hợp tác với các trường đại học, trường đào tạo nghề, để nâng cao tay nghề cho công nhân, khả năng thực hành, ứng dụng công nghệ cho kỹ sư và đúc kết mô hình quản lý, thi công chuẩn mực cho DN. Việc ứng dụng công nghệ số, mô hình BIM để kiểm soát giải phóng mặt bằng, minh bạch trong thiết kế, tối ưu hóa chi phí… Bên cạnh đó, Đèo Cả đã cải tiến phương pháp thi công hầm bằng “Công nghệ NATM hệ Đèo Cả” giúp tăng tốc độ đào hầm, rút ngắn tiến độ thi công”, ông Hồ Minh Hoàng cho biết.

Nhà đầu tư quyết tâm hoàn thành cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh thỏa lòng mong mỏi của người dân Cao Bằng về tuyến đường nối liền Thủ đô Hà Nội với miền biên viễn Tổ quốc, góp phần thực hiện mong muốn của Bác trong buổi nói chuyện với các cán bộ lãnh đạo của tỉnh đầu xuân năm 1961: “Cao Bằng phải cao bằng những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là Cao Bằng vượt mức cao không ai bằng”.

Cũng tại lễ khởi công dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Tập đoàn Đèo Cả đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT làm đầu mối cùng các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng quan tâm:

“Một là, xây dựng chương trình hỗ trợ DN ngành giao thông hợp tác, học tập các mô hình của DN quốc tế về các công nghệ lõi của ngành Giao thông sẽ phải triển khai trong thời gian tới nhằm đón bắt cơ hội phát triển, tiếp nhận việc chuyển giao ứng dụng công nghệ mới trong quá trình hợp tác.

Hai là, có cơ chế, chính sách đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học – công nghệ thông qua mô hình hợp tác của DN với các đơn vị đào tạo nhằm chuẩn bị kiến thức và con người sẵn sàng tiếp nhận, làm chủ các công nghệ đột phá nhằm đón đầu các công việc đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao.

Ba là, tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ số đồng bộ không chỉ cho DN mà còn cho các đối tác, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý và ban ngành chuyên môn để nhất quán và thuận lợi trong quá trình thực hiện. Đồng thời, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý tạo sự minh bạch trong quản lý đầu tư, thi công”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích