Tạo “vùng xanh” nông nghiệp an toàn: Mô hình cần nhân rộng
“Ứng xử” đẹp với môi trường
Đan Phượng là huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội, có tốc độ phát triển kinh tế khá, là huyện đầu tiên của Thủ đô được Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới năm 2015. Đây cũng là huyện ngoại thành được Thành phố quan tâm đầu tư sản xuất nông sản, nhất là rau, hoa, quả để phục vụ, cung cấp cho thị trường Hà Nội. Nhưng cùng việc phát triển đó là sự gia tăng rác thải trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất trồng trọt ngày càng nhiều. Rác thải chủ yếu là rơm rạ, thân lá cây còn lại sau thu hoạch, vỏ, bao bì, chai, lọ các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
Nhưng đó là câu chuyện của cách đây nhiều năm. Ngày nay, khi về Đan Phượng, hẳn nhiều người ngỡ ngàng bởi những thay đổi trong cách mà người dân Đan Phượng “ứng xử” với môi trường, với đồng ruộng và tạo ra những “vùng xanh” nông nghiệp bằng phương pháp hữu cơ.
Mô hình trồng măng tây hữu cơ của huyện Đan Phượng |
Chúng tôi về xã Thọ An, huyện Đan Phượng vào một ngày tháng 6. Thật ngỡ ngàng khi nơi đây từ đường làng ngõ xóm gần như không nhìn thấy cọng rác hay những đống phế thải như một số nơi vẫn thường gặp. Chia sẻ về sự thay đổi này, ông Trần Văn Vui, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ An, huyện Đan Phượng cho biết: Trong nhiều năm trở về trước, tình trạng nông dân lợi dụng thuốc hóa học, phân hóa học để sản xuất có ở khắp nơi, gần như đó là một “tập quán” khó thay đổi. Thế nhưng những năm gần đây, theo chủ trương của Thành phố, huyện Đan Phượng, xã Thọ An đã vào cuộc, đưa phương pháp hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp, từng bước tạo ra một nền nông nghiệp xanh an toàn, bền vững gắn với quy hoạch đô thị.
“Chúng tôi tập trung vào công tác tuyên truyền để bà con biết lợi ích của việc sử dụng phân vi sinh, hữu cơ trong sản xuất. Nhưng nếu chỉ tuyên truyền không thì chưa đủ, chúng tôi phải “cầm tay, chỉ việc”. Chúng tôi xây dựng mô hình xử lý các chất thải từ nông nghiệp sau khi thu hoạch để làm phân hữu cơ được đông đảo bà con ủng hộ. Cùng với đó, xã Thọ An cũng xây dựng mô hình xử lý rác thải tại nguồn ngay từ trong các hộ gia đình. Đặc biệt vụ xuân năm 2021, chúng tôi đã tổ chức thực hiện xử lý 1ha rơm rạ thành phân hữu cơ ngay trên đồng ruộng để bà con thấy rõ hiệu quả của việc không đốt rơm rạ, biến chúng thành phân hữu cơ bón cho đồng ruộng”, ông Vui cho biết.
Người nông dân sẽ được “an toàn” trên những cánh đồng hữu cơ |
Bên cạnh tạo nguồn phân hữu cơ cho bà con, xã cũng tạo điều kiện để hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, Thọ An tự hào vì đã có mô hình Rau hữu cơ Thọ An được đánh giá là mô hình rau an toàn. Năm 2021, huyện Đan Phượng cũng xây dựng mô hình lúa ST25 đặc sản hữu cơ trên vùng lúa Thọ An dùng thuốc thảo mộc Anisat cho ra năng suất cao; cùng với đó là mô hình trồng táo hữu cơ, rau hữu cơ…
Không chỉ dùng phương pháp hữu cơ trong trồng trọt, xã Thọ An còn dùng phương pháp hữu cơ trong chăn nuôi. Theo ông Vui, hiện nay xã đang triển khai mô hình Đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò, gà tại xã để làm giảm ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, tạo nguồn phân hữu cơ, đưa chuồng trại ra xa nơi ở để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
“Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu, tạo liên kết từ đầu vào đến đầu ra các sản phẩm hữu cơ cho bà con. Chúng tôi tin rằng với sự thành công của các mô hình này, trong những năm tới, bà con Thọ An sẽ chuyển đổi dần sang hướng sản xuất hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo sức khỏe cho người dân và người tiêu dùng”, ông Vui chia sẻ thêm.
Mô hình trồng cây ăn quả sạch tại xã Trung Châu |
Rời xã Thọ An, chúng tôi đến với xã Phương Đình – nơi được coi là điển hình của mô hình Cánh đồng không đốt rơm rạ. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Đình cho biết: Trong thời gian qua, xã đã tập huấn cho bà con áp dụng chế phẩm hữu cơ để ủ các chất thải, rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh giúp cho đất tơi xốp, tạo ra sản phẩm an toàn. Riêng đối với mô hình Cánh đồng không đốt rơm rạ, xã đã tổ chức hội nghị, mời bà con xã viên tham dự và ký bản cam kết không đốt rơm rạ sau mùa vụ. Các hộ nông dân được phát chế phẩm sinh học để thực hiện áp dụng xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ ngay tại đồng ruộng. Kết quả là sau vụ mùa, bà con không còn đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường nữa. Cùng với đó là việc giảm thiểu chi phí mua phân bón hóa học, cải thiện môi trường đất, giảm thiểu tác động khói bụi đến không khí, đảm bảo sức khỏe cho chính bà con nông dân.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tập huấn cho bà con để tạo ra các sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho chính người nông dân và đảm bảo sức khỏe cộng đồng”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Đình cho biết.
Tiếp tục tạo “vùng xanh” nông nghiệp
Theo ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, thời gian qua, Hội đã tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng “Người nông dân Hà Nội thanh lịch, văn minh” và cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn”. Theo đó, Hội tập trung chỉ đạo hội viên nông dân sản xuất cây trồng theo hướng hữu cơ công nghệ cao gắn bảo vệ môi trường thông qua các buổi tập huấn, huấn luyện trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP để cung ứng cho thị trường…; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hỗ trợ các Hợp tác xã tham gia triển lãm, phiên chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ở địa phương; tư vấn, hướng dẫn và tổ chức hỗ trợ bà con trong việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; đăng ký lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Đan Phượng tiếp tục tạo “vùng xanh” nông nghiệp bằng nhiều mô hình không hóa học |
Cùng với đó, để nâng cao nhận thức cộng đồng, các hộ trực tiếp trồng lúa tự nguyện thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ thừa sau các vụ thu hoạch; nâng cao nhận thức của cán bộ hội viên nông dân về tác hại của việc đốt rơm rạ. Hội Nông dân cũng thực hiện nhiều hội nghị tập huấn, đưa ra các phương án hữu ích trong việc tái chế, tái sử dụng rơm rạ, phụ phẩm sau thu hoạch đáp ứng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn huyện.
“Đốt rơm rạ là một vấn đề lớn, bởi bấy lâu nay bà con đã có thói quen thu hoạch xong thì đốt, lấy tro bón cho cây trồng, gây nên những tác hại về ô nhiễm không khí, thoái hóa đất trồng. Chính vì vậy, Đan Phượng đã quyết tâm thực hiện mô hình Cánh đồng không đốt rơm rạ. Vụ xuân năm 2017, chúng tôi đã thí điểm thành công tại xã Thọ Xuân. Sau khi thấy được hiệu quả, chúng tôi bắt đầu nhân rộng, lấy nông dân làm nòng cốt, thực hiện trên nhiều diện tích đất ruộng sau mùa vụ. Tiếp sau đó là 170ha ruộng tại xã Phương Đình cũng đã thực hiện rất thành công.
Mô hình ca chua hữu cơ oganic xã Trung Châu |
Các cấp Hội đã đi tận ngõ, gõ tận cửa để nằm bắt quá trình thu hoạch của các hộ dân, khuyến khích bà con ký cam kết không đốt rơm rạ, phát chế phẩm sinh học đến tận tay bà con. Sau năm 2018, chúng tôi tiếp tục có kế hoạch phối hợp với tổ chức Live & Lean, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhân rộng ra 9 xã, được các cấp ngành đánh giá cao. Năm nay chúng tôi tiếp tục phối hợp với Live & Lean thực hiện Cánh đồng không đốt rơm rạ trên 5 xã nữa”, ông Son thông tin.
Đối với phương pháp hữu cơ trong chăn nuôi, ông Son cũng cho biết, nhằm bảo vệ sức khỏe cho nông dân theo Nghị quyết số 20 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân huyện thường xuyên tập huấn, hướng dẫn cho nông dân các mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học. Ban đầu, Hội đã làm điểm tại xã Hồng Hà, sau nhận rộng tại các xã trên địa bàn huyện và vận động nông dân đưa chăn nuôi xa khu dân cư theo quy hoạch của Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng để tránh ô nhiễm môi trường. Hện nay đã có 2 Hợp tác xã chăn nuôi xa khu dân cư thực hiện mô hình tại xã Trung Châu và Phương Đình.
Người nông dân hạnh phúc trên cánh đồng thân thiện với môi trường |
Ngoài ra, hiện nay Đan Phượng đã có những mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao như hoa lan Đan Hoài, bưởi tôm vàng Đan Phượng, rau hữu cơ Cuối Quý, nấm Minh nghĩa…; đang phối hợp các ngành xây dựng thương hiệu Tập thể sản phẩm thịt lợn An toàn sinh học Trung Châu, hoa Đan Phượng, chăn nuôi Phương Đình, nấm Đan Phượng; các sản phẩm làng nghề truyền thống như Rượu Long Trường Tửu Hồng Hà, kẹo lạc Song Phượng, nem Phùng Thái Cam… Hiện nay huyện đã có trên 50 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP và cũng đang đẩy mạnh mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trải nghiệm, điển hình là điểm đến thuộc xã Hạ Mỗ và khu sinh thái Đan Phượng mới được Thành phố công nhận.
Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Đan Phượng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị với quan điểm, mục tiêu tổng quát là: Xây dựng nông thôn mới cần thực chất hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng cao.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thủ đô vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn như: Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do tác động của tốc độ đô thị hóa; việc tích tụ, tập trung ruộng đất còn khó khăn; tác động của các yếu tố thị trường, giá cả, thiên tai, dịch bệnh diễn biến thất thường. Do đó cần xác định nông dân là trụ cột trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn là cơ sở để người nông dân tổ chức sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống cho người nông dân. Người dân cần chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm, áp dụng công nghệ cao và tạo ra nông sản an toàn, nông sản đạt chuẩn về chất lượng theo quy chuẩn quốc tế. |
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô