Tạo nguồn vốn hỗ trợ thị trường BĐS

(TN&MT) – Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân.

Thêm 2 gói tín dụng lớn cho thị trường

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, gói tín dụng 65.000 tỷ đồng được chia làm 2 gói. Gói 15.000 tỷ đồng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 sẽ cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định. Cùng đó, bổ sung vốn cấp bù lãi suất phân bổ cho các tổ chức tín dụng số tiền 1.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng thứ hai khoảng 50.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất và thời hạn phù hợp để các ngân hàng thương mại cho các đối tượng sau vay ưu đãi lãi suất bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm trong 5 – 15 năm.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian vừa qua, đặc biệt là từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay, thực tế cho thấy, các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động, nhất là tại các tỉnh phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…) là các địa phương có nhiều khu công nghiệp, ảnh hưởng nặng nề nhất là về sức khỏe người dân và kinh tế.

Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.

Xây dựng các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp. Ảnh: Hoàng Minh

Nếu gói tín dụng này được triển khai sẽ góp phần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản theo hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm nhà ở có giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu thực, hạn chế các sản phẩm bất động sản đầu cơ, giá cả vượt quá mức thu nhập trung bình của người dân.

Đồng thời, tạo sức lan tỏa giúp cho thị trường bất động sản tan băng, thông qua đó người dân có thể mua bán, giao dịch bất động sản thuận lợi, cải thiện điều kiện về chỗ ở, đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, vật liệu xây dựng, giảm nợ xấu…

Còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Đánh giá về đề xuất gói tín dụng, nhiều chuyên gia đồng tình và cho rằng đây là nguồn vốn cần thiết tạo động lực cho nhà ở xã hội phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu đề xuất được Chính phủ chấp thuận thì việc bố trí vốn cần phải được thực hiện nhanh bởi việc chậm trễ bố trí nguồn vốn ngân sách ưu đãi phát triển nhà ở xã hội chính là điểm nghẽn lớn nhất khiến hàng loạt các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại các thành phố lớn chậm tiến độ và bị đội giá xây dựng, phát sinh chi phí, ăn mòn lợi nhuận khiến các dự án nhà ở xã hội không thu hút được doanh nghiệp đầu tư.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, khi xảy ra dịch bệnh mới thấy rõ ràng, chính sách nhà ở cho công nhân không phải là mới. Chúng ta có chính sách này cả 10 năm nay nhưng khi dịch xảy ra tại trung tâm Bình Dương, Đồng Nai mới thấy công nhân không được hưởng chính sách về nhà ở.

“Triển khai gói tín dụng này sẽ có tác động lớn tới việc giải quyết một trong những vấn đề an sinh xã hội quan trọng, nhất là vấn đề nhà ở cho hàng vạn hộ gia đình, trong đó cho những hộ gia đình lao động ở khu vực đô thị. Vì vậy, quy trình thủ tục thực hiện gói hỗ trợ cần hết sức đơn giản, khả thi, công khai minh bạch và đúng đối tượng. Với những kỳ vọng từ chính sách, cũng như công tác triển khai của các cơ quan, ban, ngành và địa phương, tin rằng thị trường BĐS vốn đang ảm đạm hiện nay sẽ được kích hoạt, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn, giúp nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn” – TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

“Đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng góp phần thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ là bảo đảm an sinh xã hội – nhà ở cho đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp; đồng thời, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản”.

Ông Nguyễn Văn Sinh

Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Bạn cũng có thể thích