Tạo môi trường tốt hơn nữa cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo
Vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chung tay ủng hộ và chia sẻ, hợp tác của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Bộ KH&CN, ngành KH&CN đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023 với nhiều kết quả tích cực, góp phần thiết thực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh quốc gia, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, đóng góp vào các mục tiêu tăng trưởng của đất nước trong năm 2023.
Tuy nhiên, cũng như cuộc sống, KH&CN vận động không ngừng, đòi hỏi các cơ chế, chính sách quản lý KH&CN luôn cần được rà soát để điều chỉnh kịp thời mới theo kịp và đáp ứng được, hỗ trợ được hoạt động KH&CN một cách hiệu quả. Do đó, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ KH&CN cũng nhận thức được rằng, vẫn còn đó các vướng mắc, bất cập trong quản lý KH&CN mà vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, chúng ta chưa tháo gỡ được và cần sớm có giải pháp trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.
Bối cảnh mới với các diễn biến phức tạp, khó đoán định của thế giới hiện đại và sự thay đổi chưa từng có tiền lệ trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chúng ta phải luôn chủ động, sáng tạo và linh hoạt thích ứng để ứng phó kịp thời. Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế – xã hội, đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý KH&CN; nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN&ĐMST.
“Để làm được điều đó, bên cạnh sự ủng hộ, chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, cần sự quyết tâm và nỗ lực lớn hơn nữa của lực lượng KH&CN cả nước. Với vai trò đầu mối quản lý hoạt động KHCN&ĐMST, Bộ KH&CN sẽ tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó, động viên đội ngũ cán bộ KH&CN kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê khoa học, vượt lên các khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả KH&CN thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự Lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng, Chính phủ; sự đồng tình, chia sẻ, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương; sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức, ngành KH&CN; với tinh thần chủ động, sáng tạo; đoàn kết, thống nhất; chung sức, đồng lòng, về cơ bản, ngành KH&CN đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Cụ thể, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về KH,CN&ĐMST luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng. Một số chủ trương quan trọng về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Các luật chuyên ngành trong lĩnh vực KH&CN đã được tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được và xác định các tồn tại, bất cập để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn..
KH&CN tiếp tục có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân. Khoa học xã hội nhân văn đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng,…
Chất lượng nguồn nhân lực KH&CN không ngừng được nâng cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận. Số lượng bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế và sáng chế được bảo hộ của người Việt Nam gia tăng rõ rệt… Một số tổ chức KH&CN tiên tiến tầm quốc tế đã được thành lập cả ở khu vực công và tư.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tiếp tục phát triển năng động, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia luôn ở tốp dẫn đầu các nền kinh tế thu nhập trung bình nhưng có nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong hơn 10 năm qua.
Hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được củng cố, góp phần tạo môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp và ngày càng hài hòa với các tiêu chuẩn thế giới và khu vực. Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo vệ kết quả hoạt động sáng tạo và phù hợp với cam kết quốc tế. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng NLNT tiếp tục có đóng góp thiết thực trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp…, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN thông qua việc triển khai các hiệp định, thoả thuận hợp tác song phương về KH&CN với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt chú trọng các nước là đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện với Việt Nam; thúc đẩy các hoạt động hợp tác trên cơ sở thế mạnh của đối tác và nhu cầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác về KH,CN&ĐMST gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Quang cảnh Hội nghị.
Hạn chế cần khắc phục
Về các hạn chế cần khắc phục, theo Bộ KH&CN, hệ thống pháp luật về KH,CN&ĐMST chưa đồng bộ với pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư, đấu thầu, quản lý tài sản công…; chưa phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; chưa có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Cơ chế, chính sách tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực KH&CN còn bất cập, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KH,CN&ĐMST, gây khó khăn cho hoạt động quản lý, chưa thúc đẩy được các tổ chức KH&CN có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN hiện còn nhiều vướng mắc trong xây dựng kế hoạch; lập, giao dự toán; thanh quyết toán; khuyến khích các doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển KH&CN dẫn đến chưa khơi thông được nguồn lực tài chính ngoài nhà nước cho hoạt động KH&CN.
Thị trường KH&CN đã hình thành và phát triển nhưng còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc, điểm nghẽn; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực thương mại hóa, đẩy mạnh cung – cầu công nghệ; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu. Công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao.
Các tồn tại, hạn chế nêu trên ngoài nguyên nhân khách quan, còn có những nguyên nhân chủ quan như một số cán bộ, công chức chưa chủ động, quyết liệt, chưa lấy thực tiễn làm thước đo trong xây dựng cơ chế, chính sách; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ còn thiếu quyết liệt.
Phong Lâm