Tạo môi trường làm việc an toàn

An toàn sức khỏe nghề nghiệp là một quyền cơ bản

Trong thông cáo báo chí, bà Chihoko Asada-Miyakawa cho hay, tháng 6/2022, Tổ chức Lao động Quốc tế đã thực hiện một bước tiến lịch sử khi bổ sung môi trường làm việc an toàn và lành mạnh vào danh sách các Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc. Điều này quan trọng bởi vì an toàn và sức khỏe nghề nghiệp giờ đây không còn được coi là một tùy chọn bổ sung. Tất cả 186 quốc gia thành viên của ILO hiện có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và tạo dựng một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh như một nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, dù họ có phê chuẩn các công ước của ILO liên quan đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp hay không.

Tạo môi trường làm việc an toàn
Một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh là quyền cơ bản của mọi người lao động. Ảnh minh họa: B.D

Với việc ghi nhận an toàn sức khỏe nghề nghiệp là một quyền cơ bản, ILO gửi tới các Chính phủ và người sử dụng lao động thông điệp rõ ràng rằng, họ phải có trách nhiệm tạo dựng một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho mọi người lao động. Bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động không chỉ là vấn đề đạo đức; điều này cũng đem lại lợi ích về kinh doanh theo như một phân tích lợi ích chi phí gần đây do Ban Thư ký ASEAN về an toàn sức khỏe nghề nghiệp thực hiện trong lĩnh vực xây dựng đã chỉ ra. Khi người lao động cảm thấy an toàn và khỏe mạnh tại nơi làm việc, nhiều khả năng họ sẽ làm việc năng suất và hiệu quả hơn. Điều này có thể mang lại lợi ích cho người lao động, người sử dụng lao động cũng như toàn bộ nền kinh tế. Ngược lại, khi người lao động bị thương hoặc bị bệnh do các mối nguy hiểm tại nơi làm việc có thể có tác động tiêu cực đáng kể đến năng suất và tăng trưởng kinh tế.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa cũng nhấn mạnh, đưa an toàn sức khỏe nghề nghiệp trở thành quyền cơ bản thúc đẩy công bằng và bình đẳng xã hội. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có thể có nguy cơ phải đối mặt với các mối nguy hiểm tại nơi làm việc cao hơn do các yếu tố như nghèo đói, phân biệt đối xử và không được tiếp cận giáo dục, đào tạo và các dịch vụ an toàn sức khỏe nghề nghiệp.

Việc đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe nghề nghiệp cũng rất quan trọng để từ đó có thể dẫn đến điều kiện làm việc tốt hơn và cải thiện sức khỏe cho người lao động. Tuy nhiên, để an toàn sức khỏe nghề nghiệp trở thành hiện thực hàng ngày, đối với mọi người lao động, vấn đề này phải được giải quyết đồng thời với các Nguyên tắc và Quyền cơ bản khác của ILO tại nơi làm việc. Đó là các vấn đề liên quan đến tự do hiệp hội và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động trẻ em cũng như chấm dứt phân biệt đối xử trong thế giới việc làm.

Cần chủ động, tăng cường đối thoại xã hội

Theo Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương ILO, nếu muốn tạo ra một nền văn hóa phòng ngừa trong an toàn sức khỏe nghề nghiệp thực chất, sự tham gia của cả người sử dụng lao động và người lao động thông qua đối thoại xã hội và hợp tác tại nơi làm việc là rất quan trọng.

An toàn lao động nói chung, an toàn lao động tại nơi làm việc nói riêng là một trong những vấn đề được Chính phủ và các cấp ngành luôn dành sự quan tâm và đã cụ thể hóa thành các văn bản pháp luật. Với sự đồng hành của các cấp chính quyền, tổ chức Công đoàn cũng như nhận thức ngày càng cao của chủ sử dụng lao động, an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu. Cụ thể, các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, nơi làm việc thông thoáng; tổ chức Công đoàn và các cấp quản lý luôn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như tổ chức những hội thảo, hội nghị hướng dẫn chuyên môn, nhờ đó ngày càng giảm số trường hợp tai nạn lao động tại nơi làm việc. Không những thế, phong trào xây dựng môi trường làm việc thoáng- xanh- mát cũng đang được đẩy mạnh rộng rãi.

Nhấn mạnh môi trường làm việc an toàn và lành mạnh giờ đây là quyền cơ bản của mỗi người lao động và của mọi người lao động, bà Chihoko Asada-Miyakawa cho rằng: Các Chính phủ, người sử dụng lao động, Công đoàn cũng như các công ty ở mọi cấp độ của chuỗi cung ứng phải cùng nhau phối hợp để hiện thực hóa quyền này. Trong đó, Công đoàn đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này, giúp nói lên những mối quan ngại của người lao động cũng như đào tạo cho họ những kiến thức cơ bản về an toàn sức khỏe nghề nghiệp.

“Chúng ta có thể làm được điều này thông qua cam kết chung, nỗ lực chung và bằng cách tiếp cận toàn diện. Chúng ta cần một cách tiếp cận mà ở đó tất cả các quyền cơ bản của người lao động được công nhận và thúc đẩy, giúp mang lại công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người”, Giám đốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương ILO nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, thực hiện chủ trương của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch Covid-19, đồng thời thúc đẩy sự quan tâm trong công tác đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn, hài hòa, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 31/5/2023, với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng nơi làm việc”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023 cấp quốc gia vào ngày 27/4/2023 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô với nhiều hoạt động thiết thực. Qua đó thúc đẩy các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; đồng thời đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về an toàn vệ sinh lao động; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.

N.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích