Tạo lập môi trường bền vững: Nhiệm vụ cấp bách của ngành Kiến trúc xây dựng

(Xây dựng) – Một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành xây dựng, lĩnh vực tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và phát thải thuộc hàng cao nhất, là tạo lập môi trường bền vững, với những mục tiêu và cam kết cụ thể như đô thị không phát thải carbon, giao thông xanh, khu ở sinh thái, công trình trung hòa năng lượng…

Tạo lập môi trường bền vững: Nhiệm vụ cấp bách của ngành Kiến trúc xây dựng
Theo UIA, quyền tự quyết cho tất cả mọi người là nền tảng trong kiến trúc, không có vẻ đẹp nào bị loại trừ.

Phát triển bền vững trở thành xu hướng phát triển tất yếu

Phát triển là quy luật của sự sống, của tạo hoá mà vạn vật đều phải tuân theo một cách tự giác hay không tự giác. Con đường giải quyết mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển là giữ cho phát triển không tác động tiêu cực tới môi trường, đảm bảo không gian sống chất lượng, cung cấp cho con người các loại tài nguyên cần thiết, tái xử lý phế thải, giảm tác động bất lợi của thiên tai, duy trì, phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học của loài người. Hay nói cách khác, đó là phát triển bền vững (PTBV).

Năm 1987, Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua định nghĩa về PTBV trong báo cáo Brundtland: “PTBV là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”.

Năm 1992, Hội nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) về phát triển và môi trường tổ chức tại Rio de Janeiro (Brazil) đã đưa ra 27 nguyên tắc về PTBV. Sau đó, một loạt diễn đàn quốc tế quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh Trái đất 5 ở New York (năm 1997), Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về PTBV ở Johannesburg – Nam Phi (năm 2002).

Năm 2012, Hội nghị LHQ về PTBV RIO+20 đã quyết định thành lập Diễn đàn chính trị cấp cao liên Chính phủ toàn cầu về PTBV. PTBV hiện được lồng ghép vào các hoạt động và nhiệm vụ quản lý của nhiều tổ chức quốc tế, nổi bật như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Toàn cầu…

Tại Việt Nam, PTBV đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Hàng loạt các chính sách về PTBV đã được ban hành, như Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Định hướng Chiến lược PTBV (Chương trình Nghị sự 21); Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.

Việt Nam đã ký các công ước quốc tế có liên quan tới PTBV như Nghị định thư Montreal về các chất phá hủy tầng ô-zôn; Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-zôn; Công ước LHQ về Luật Biển; Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu; Công ước Đa dạng Sinh học (1994); Cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Năm 2009, Chính phủ thành lập Hội đồng PTBV Quốc gia (từ tháng 5/2012 là Hội đồng Quốc gia về PTBV và Nâng cao năng lực cạnh tranh)…

Tuyên ngôn 10 điểm của UIA nhằm đạt được tính bền vững tổng thể

Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) “Hãy cứu lấy trái đất – chiến lược cho một cuộc sống bền vững”, năm 1991 đã nêu ra 9 nguyên tắc của một xã hội bền vững, gồm: Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng; Cải thiện chất lượng cuộc sống của con người; Bảo vệ sức sống và tính đa dạng của trái đất; Hạn chế đến mức thấp nhất việc làm suy giảm các nguồn tài nguyên không tái tạo; Giữ vững trong khả năng chịu đựng được của trái đất; Thay đổi tập tục và thói quen cá nhân; Để cho các cộng đồng tự quản lý môi trường của mình; Tạo ra một khuôn mẫu quốc gia thống nhất, thuận lợi cho việc phát triển và bảo vệ; Xây dựng khối liên minh toàn cầu.

Tại Đại hội Kiến trúc sư Thế giới (UIA) – một sự kiện quan trọng hàng đầu của giới kiến trúc toàn cầu – được tổ chức tại Copenhagene tháng 7/2023 với chủ đề “Tương lai bền vững – Không ai bị bỏ lại phía sau”, các chuyên gia và học giả tên tuổi đã cùng nhau trao đổi và thảo luận về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự đa dạng sinh học và tăng cường gắn kết cũng như hội nhập xã hội. Đại hội đã thông qua 10 bài học, đồng thời cũng là tuyên ngôn 10 điểm nhằm đạt được tính bền vững tổng thể.

Thứ nhất, phẩm giá và quyền tự quyết cho tất cả mọi người là nền tảng trong kiến trúc, không có vẻ đẹp nào bị loại trừ. Thứ hai, những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau phải được hỗ trợ chỗ ở trước tiên khi xây dựng, lập kế hoạch và phát triển môi trường xây dựng. Thứ ba, các cấu trúc được xây dựng hiện tại phải luôn được ưu tiên tái sử dụng. Thứ tư, phát triển mới không xóa bỏ không gian xanh. Thứ năm, hệ sinh thái tự nhiên và sản xuất lương thực phải được duy trì bất kể bối cảnh xây dựng là gì. Thứ sáu, không sử dụng vật liệu khoáng nguyên chất trong xây dựng khi có thể tái sử dụng. Thứ bảy, không tạo ra hoặc bỏ lại chất thải trong quá trình xây dựng. Thứ tám, khi tìm nguồn cung ứng vật liệu cho xây dựng, vật liệu địa phương, tái tạo được ưu tiên hàng đầu. Thứ chín, nỗ lực thu hồi carbon vượt quá lượng khí thải carbon. Thứ mười, khi phát triển, quy hoạch và xây dựng môi trường xây dựng, mọi hoạt động phải tác động tích cực đến hệ sinh thái nước và cung cấp nước sạch.

Nhiệm vụ cấp bách của ngành Kiến trúc xây dựng

Trái đất đã đi đến kịch bản không ai mong muốn, gần như mọi giới hạn đã chạm ngưỡng nguy hiểm, khi mùa hè ngày một nóng hơn với các mốc kỷ lục, lũ lụt tiếp tục dâng cao, các hồ thủy điện đối diện mực nước chết thường xuyên, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt… ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hiện tại và tương lai của nhân loại.

PTBV không là khẩu hiệu mà trở thành trọng tâm của mọi chính sách và chương trình, được cụ thể hóa thành hệ thống giải pháp, áp dụng đồng bộ, khẩn trương và quyết liệt.

Một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành Xây dựng, lĩnh vực tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và phát thải thuộc hàng cao nhất, là tạo lập môi trường bền vững, với những mục tiêu và cam kết cụ thể như đô thị không phát thải carbon, giao thông xanh, khu ở sinh thái, công trình trung hòa năng lượng… Tuy vậy, vấn đề đặt ra không chỉ thuần túy kỹ thuật, giới chuyên môn sẽ phải cân nhắc và giải quyết nhiều bài toán kinh tế – xã hội liên quan. Đó thực sự là những vấn đề gai góc trong bối cảnh biến đổi khí hậu và chuyển đổi phương thức quản lý – vận hành dự án, song cũng đầy hấp dẫn, thú vị ở hành trình tìm kiếm, đề xuất mô hình mới.

Dấn thân vào phạm vi nghiên cứu, thử nghiệm trên, các chuyên gia cần chuẩn bị tư duy toàn diện, thấu đáo, những công cụ hỗ trợ mạnh và hơn hết là xây dựng một triết lý thiết kế tổng hòa, xem xét nhiều nhân tố để tạo sức mạnh cộng hưởng.

Vai trò của Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Là tổ chức chuyên môn với bề dày 75 năm lịch sử hình thành và phát triển (1948 – 2023), Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có những chương trình hành động hiệu quả, thiết thực vì cộng đồng, góp phần tạo lập môi trường sống có chất lượng, phù hợp với lối sống và điều kiện kinh tế – văn hóa – xã hội của mỗi vùng miền.

Có thể đơn cử Chương trình thiết kế mẫu nhà ở nông thôn của Hội. Mục tiêu đề xuất 500 – 1.000 mẫu nhà ở chia theo 7 vùng văn hóa, tiến hành xây thí điểm rút kinh nghiệm, từ đó các kiến trúc sư, người dân, xã hội có thể chọn mẫu phù hợp, điều chỉnh mẫu cho sát với điều kiện và nhu cầu thực tế.

Hội cũng chủ trương thúc đẩy nghiên cứu sáng tác những công trình, không gian công cộng như nhà văn hóa cộng đồng, quảng trường, phố đi bộ, công viên đô thị…, tổ chức nhiều cuộc thi tuyển nghiêm túc, tạo sân chơi lành mạnh, chú trọng khai thác các yếu tố đặc trưng, cảnh quan, bản sắc văn hóa vùng miền, từng bước cải thiện những không gian đô thị, nông thôn theo hướng sống động, nhân văn hơn. Hội Khuyến khích tương tác và kết nối cộng đồng thường xuyên, chia sẻ giá trị cốt lõi và cùng hành động đạt mục tiêu chung. Phạm vi các cuộc thi không giới hạn trong không gian đô thị mà mở rộng cả vùng nông thôn, hỗ trợ cộng đồng vùng sâu, vùng xa được hưởng những tiện ích văn minh.

Quá trình tạo lập môi trường sống bền vững là trách nhiệm chung, cấp bách của ngành Kiến trúc xây dựng. Và một trong những công cụ chính xác lập không gian sống cụ thể là hệ thống bản vẽ, tư duy của kiến trúc sư. Kiến trúc sư đóng vai trò hạt nhân của quá trình này, do đó rất cần xây dựng những khung lý thuyết, trách nhiệm, khái niệm… soi sáng, đảm bảo cho sự phối hợp liên ngành hiệu quả, đồng bộ trong dài hạn.

KTS Hoàng Thúc Hào (*) – KTS Nguyễn Quang Minh
(*) Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích