Tạo “kháng thể” cho doanh nghiệp địa ốc
“Kháng thể” từ sức hấp dẫn của ngành…
Bắt đầu với câu chuyện vĩ mô, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá, chiến lược sống cùng Covid-19 của Việt Nam đã tạo nên sự thay đổi căn bản đối với nền kinh tế và là tiền đề quan trọng cho sự phục hồi của thị trường. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% trở lên vào năm 2022, cho thấy kỳ vọng trong ngắn hạn là rất tốt.
“Với câu chuyện đầu tư trên thị trường địa ốc, kỳ vọng sáng về kinh tế vĩ mô rất quan trọng và có tác động tích cực với tâm lý nhà đầu tư”, ông Thành nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc vẫn có hàng chục nghìn giao dịch bất động sản được thực hiện thời gian qua phần nào cho thấy sức đề kháng mạnh mẽ của ngành địa ốc trước cơn bão Covid-19.
Đề cao tính thanh khoản – yếu tố thể hiện sức hấp dẫn của lĩnh vực bất động sản, ông Đính cho biết, trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, bất động sản Việt Nam vẫn là thị trường đầy tiềm năng khi một dự án nhà ở chỉ cần trung bình 1,5 năm là được hấp thụ hết, trong khi ở các nước trong khu vực con số này là 5 năm.
“Ngay trong cao điểm chống dịch, các hoạt động của thị trường vẫn được duy trì và thực tế là sau mỗi đợt dịch luôn có sự trỗi dậy mạnh mẽ nhờ sức cầu lớn. Đây chính là kháng thể chung của cả ngành bất động sản Việt Nam và kháng thể này sẽ còn duy trì trong thời gian tới”, ông Đính nhấn mạnh.
… tới nội tại doanh nghiệp
Chia sẻ câu chuyện tạo “kháng thể” cho doanh nghiệp địa ốc nhìn từ góc độ quản trị doanh nghiệp, ông Huỳnh Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Vận hành ERA Vietnam cho rằng, kháng thể lớn nhất là chính bản thân con người, doanh nghiệp phải chấp nhận thay đổi và khi thay đổi được thì mọi thứ sẽ thuận lợi hơn. Hay với bất động sản nghỉ dưỡng – phân khúc được cho là chịu tác động tiêu cực nhất bởi dịch, nhưng theo ông Hải, đây là sản phẩm để chống dịch.
“Khi đợt dịch thứ 4 xảy ra, tôi tìm đến bất động sản nghỉ dưỡng như là cách chống dịch. Tôi coi đây là ‘second home’ (ngôi nhà thứ hai), vì trong dịch, làm việc online là chủ yếu và các dự án nghỉ dưỡng lại có không gian, dịch vụ tốt. Sau giãn cách, du lịch trở lại, thì lúc đó tôi sẽ bán hoặc cho thuê lại”, ông Hải nói và chia sẻ thêm, hiện là thời điểm bất động sản nghỉ dưỡng có giá tốt nhất, nếu sang năm sau khi thị trường phục hồi trở lại thì sẽ khó mua với cơ chế tốt như lúc này, thậm chí ngay trong dịch thì bất động sản nghỉ dưỡng vẫn mang đến cơ hội, vấn đề là phải tìm được dự án tốt và có chiến lược đầu tư phù hợp.
Trả lời câu hỏi đâu là “kháng thể” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Trương Anh Tú, Phó tổng giám đốc PropertyX – Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, “kháng thể” với các doanh nghiệp địa ốc xuất hiện từ sự thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Các doanh nghiệp có tầm nhìn, có đội ngũ gắn kết và luôn thay đổi, làm mới mình, có chiến lược sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường thì đó đều là “kháng thể”.
“Số hóa cũng giữ vai trò như một loại “kháng thể”, nếu doanh nghiệp tận dụng được cơ hội để thực hiện số hóa thì sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt và dự án Moonlight Center Point của Hưng Thịnh là một minh chứng, với sự chuẩn bị tốt thì bán online cũng mang lại kết quả khả quan, khi có tới hơn 600 căn được giao dịch chỉ sau 2 tiếng mở bán. Điều này cũng khẳng định rằng, livestream bán hàng là xu thế và nhu cầu về nhà ở luôn rất cao, quan trọng là doanh nghiệp lựa chọn cách làm và thực hiện ra sao”, ông Tú nói.
Còn ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Đại Việt Group cho rằng, thực tế, hoạt động bán bất động sản online ngày càng phổ biến và đã trở thành xu hướng ở nhiều nước. “Một chủ đầu tư ở Trung Quốc sau 4h mở bán đã chốt được hơn 600 căn hộ và đạt trên 1.000 căn hộ ngay trong ngày, sau 4 ngày mở bán đạt hơn 50.000 lượt đặt cọc. Điều này cũng cho thấy, việc bán bất động sản online không phải là xu hướng ngắn hạn, mà là dài hạn”, ông Quốc Anh nêu dẫn chứng.
Theo ông Quốc Anh, quý III vừa qua là khoảng thời gian thể hiện rõ nét nhất sự thích ứng với dịch bệnh của nhiều chủ đầu tư trong nước theo hướng online hóa và tìm cách thu hút sự quan tâm, chú ý của nhà đầu tư. Nhiều sự kiện mở bán online đã có lượng chốt cọc khả quan cho thấy, nếu chọn đúng cách thì chủ đầu tư vẫn có thể duy trì được việc bán hàng và có dòng tiền thu về ngay trong dịch.
Tín hiệu vui từ cơ chế, chính sách
Giai đoạn 2019 – 2021, bên cạnh tác động tiêu cực từ Covid-19, thị trường địa ốc còn đối mặt với nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách như tắc nghẽn đầu ra dự án do quá trình rà soát lại và thắt chặt cấp phép dự án mới, về chủ trương công nhận chủ đầu tư, xác định giá trị nộp ngân sách cho các dự án nhà ở có thực hiện đấu thầu (m3)…
Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nhiều chính sách đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh tiến độ sửa đổi, bổ sung và trình phê duyệt để trợ lực cho thị trường. Đây sẽ là tín hiệu tích cực cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng trong thời gian tới.
Cũng theo vị này, Bộ Xây dựng đang đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản nhằm hoàn thiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này. Theo đó, ngay trong năm 2021, sẽ có 2 văn bản pháp lý được ban hành và được cho là sẽ có tác động lớn đến thị trường, đó là Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định về hệ thống thông tin thị trường bất động sản.
“Quốc hội dự kiến sẽ sửa Luật Đất đai trong năm tới nên trong thời gian này, Bộ Xây dựng đề xuất chỉnh sửa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở cho phù hợp với Luật Đất đai mới. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chính thức có tờ trình Quốc hội thông qua Dự luật sửa đổi 10 luật, trong đó có sửa điểm nghẽn về việc công nhận chủ đầu dự án nhà ở thương mại nhằm ‘tháo chốt’ cho hơn 200 dự án bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội hiện nay. Sau khi các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, dự báo thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn, thậm chí là bùng nổ”, vị đại diện trên nói./.