Tạo hành lang pháp lý đồng bộ khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị Tổ Biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các đơn vị có liên quan rà soát các quy định của Luật để đề xuất xây dựng các Nghị định, Nghị quyết, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư để hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, rà soát các Luật, quy định có liên quan, tham mưu Chính phủ chỉ đạo sửa đổi để đảm bảo đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi).
Về các dự thảo Nghị định dưới Luật, Bộ đã phân công các đơn vị xây dựng như: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định quy định về giá đất; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai…, khẩn trương rà soát, hoàn thiện để lấy ý kiến các địa phương.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, Thứ trưởng Lê Minh Ngân yêu cầu Tổ Biên tập, Vụ Đất đai chủ trì phối hợp với các đơn vị của Bộ Xây dựng tài liệu về những điểm mới, nổi bật của Luật Đất đai (sửa đổi) để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến ở Trung ương và địa phương.
Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV gồm 16 chương và 260 điều với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật Đất đai (sửa đổi) có 6 điểm mới quan trọng về: Bảng giá đất được cập nhật hàng năm; thỏa thuận Quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở; cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ không vi phạm pháp luật về đất đai; quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội; các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đấu thầu chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số..,
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu