Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số

TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nêu rõ, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua năm 2005 đã mở ra khung pháp lý quan trọng cho việc xác lập các hình thức giao dịch, trao đổi, thông tin trên môi trường mạng, giúp kiến tạo các khuôn khổ pháp lý, nền tảng cơ bản của việc tạo dựng hình thức giao dịch mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nên tảng công nghệ số, internet và không gian mạng ngày nay.

Trước yêu cầu cấp thiết phải kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII, Hiến pháp năm 2013 cũng như để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế-xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, sự biến đổi nhanh chóng cùng tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ và công cuộc đẩy mạnh chuyển đối số quốc gia, Luật Giao dịch điện tử cần được sửa đổi, bổ sung.

Việc này sẽ giúp bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thích ứng với hoạt động của xã hội cũng như từng người dân, xã hội, doanh nghiệp trong môi trường sống, lao động, sinh hoạt mới.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn, tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV, đã có 77 lượt đại biểu Quốc hội góp ý tại tổ và 15 lượt đại biểu Quốc hội góp ý tại Hội trường đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Về cơ bản, các ý kiến này sau khi rà soát đều đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý tương đối đầy đủ để hoàn thiện dự thảo Luật.

Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau ở một số nội dung. Trước hết là về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đề nghị cân nhắc có một số nội dung không thể áp dụng ngay, ví dụ như về vấn đề thừa kế, đất đai, kết hôn… bên cạnh đó, quy định về dịch vụ tin cậy, định danh và xác thực điện tử còn mâu thuẫn với một số văn bản luật và Nghị định liên quan.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam, hiện nay, các nền tảng số phục vụ kinh doanh, giao dịch điện tử phát triển khá mạnh mẽ và được sử dụng rộng rãi song chưa có luật nào quy định tính pháp lý một cách đầy đủ và đồng bộ.

Hơn nữa, pháp luật về Giao dịch điện tử của nhiều nước trên thế giới cũng từng bước hoàn thiện, đặc biệt dưới góc độ quốc tế, Liên Hợp Quốc đã ban hành Luật mẫu về Giao dịch điện tử năm 2017, đây là sở cứ quan trọng cho việc hoàn thiện luật liên quan của các nước.

TS. Trần Đức Lai cho rằng, nhiều nội dung trong Luật Giao dịch điện tử 2005 của nước ta chưa phù hợp với thực tế hiện nay cả về phạm vi điều chỉnh (trong Luật 2005, phạm vi điều chỉnh đã đưa ra các loại trừ khá lớn như: Chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng nhà, văn bản thừa kế, khai sinh, khai tử…).

Do đó, về phạm vi điều chỉnh, TS. Trần Đức Lai đề xuất nên áp dụng cho tất cả các hoạt động của đời sống xã hội, không loại trừ các lĩnh vực như đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn…về đối tượng áp dụng, nên áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động giao dịch điện tử tại Việt Nam.

Ngoài ra, dự thảo Luật cần quy định rõ về các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của cơ sở dữ liệu, các vấn đề liên thông dữ liệu…; trách nhiệm của các doanh nghiệp trong xây dựng, quản lý, cung cấp cơ sở hạ tầng phục vụ giao dịch điện tử…

TS. Phan Tùng Mậu, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh đến an toàn thông tin cá nhân. Tuy nhiều luật liên quan đã có nội dung này nhưng đối với Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vẫn rất cần quy định về bảo vệ an toàn thông tin cá nhân. Bởi có thực tế, vì sợ không an toàn về thông tin nên một số cơ quan sau khi thực hiện giao dịch điện tử thì in ra thành bản cứng để lưu giữ.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng thảo luận, đóng góp thêm ý kiến về vai trò, tính chất pháp lý của dữ liệu điện tử; chứng thư điện tử; gửi nhận thông điệp dữ liệu; chữ ký điện tử; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; thực hiện giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử…

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích