Tạo động lực mới cho nền kinh tế phát triển nhanh trong thời gian tới

Theo báo Chất lượng Việt Nam, qua khảo sát tại hơn 3.000 doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trong tháng 9 vừa qua cho thấy, khoảng 60% số doanh nghiệp cho biết tác động của Covid-19 “phần lớn là tiêu cực” và 34% số doanh nghiệp nhận định Covid-19 tác động “hoàn toàn tiêu cực” (gấp đôi so với mức 15% của năm 2020). Chỉ có khoảng 4% số doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch và khoảng 2% số doanh nghiệp cho biết đại dịch có tác động tích cực mang lại cơ hội để phát triển.

1716-kinhtexahoi
Ảnh minh họa
 

Thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã có rất nhiều nỗ lực ban hành chính sách, giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân vượt qua khó khăn của đại dịch, bám trụ vững vàng trước tình hình dịch bệnh để đón đà phục hồi kinh tế sau giãn cách.

Trong đó phải kể đến như: thống nhất chuyển chủ trương từ “Không Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch”; thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản và các sản phẩm nông nghiệp; nới lỏng vận tải hành khách; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền gần 38 nghìn tỷ đồng,…

Tuy nhiên, doanh nghiệp, người lao động vẫn cần thêm sự hỗ trợ sau khoảng thời gian dài oằn mình chống chịu những tác động sâu rộng từ đại dịch.

Giới chuyên gia cũng nhận định, các chính sách hỗ trợ mới còn chưa sát thực tế. Đơn cử, một số chính sách chỉ giảm thu, chưa hiệu quả vì chỉ doanh nghiệp nào doanh thu sụt giảm mới được thụ hưởng, trong khi nhiều doanh nghiệp thậm chí không có doanh thu lại không được hỗ trợ, dẫn đến tỷ lệ thụ hưởng hạn chế. Một số chính sách hỗ trợ đang ở mức giãn, hoãn, không phải giảm, nên doanh nghiệp cần các nhóm giải pháp mạnh hơn.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho rằng, để tạo cho cộng đồng doanh nghiệp có sức bật mới, Chính phủ, Quốc hội cần kịp thời nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách, quy định mới, kể cả pháp luật, để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.

Trong đó cần tiếp tục có các gói hỗ trợ duy trì phục hồi kinh tế đủ lớn và kịp thời để doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ. VCCI kiến nghị gói hỗ trợ mới của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, phải nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó dịch Covid-19.

Cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống “Thẻ xanh Covid-19”, thống nhất sử dụng một nền tảng ứng dụng liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động từ các địa phương trở lại làm việc. Có như vậy mới duy trì được sản xuất an toàn, chiến thắng dịch bệnh, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích