Tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản
(Xây dựng) – Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản nhằm tạo cơ sở pháp lý cho địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân khi thực hiện việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản.
Tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản. |
Ngày 28/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Kinh doanh bất động sản với 10 Chương 83 điều (Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15) đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025.
Do đó, cần thiết phải sửa đổi bổ sung Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản để bảo đảm phù hợp với một số nội dung mới được bổ sung, sửa đổi trong Luật Kinh doanh bất động sản 2023, đồng thời cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung hiện hành để phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý cho địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân khi thực hiện việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản (Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ).
Việc ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 để quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật là cần thiết, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản gồm 07 Chương, 38 Điều, cụ thể như sau:
Chương I. Quy định chung, gồm có 2 Điều.
Chương II: Kinh doanh bất động sản có sẵn và kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, gồm có 7 Điều.
Chương III: Thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản, gồm có 2 Điều.
Chương IV: Hợp đồng kinh doanh bất động sản, gồm có 02 Điều.
Chương V: Kinh doanh dịch vụ bất động sản, gồm có 2 mục và 21 Điều.
Chương VI: Điều tiết thị trường bất động sản, gồm có 1 Điều.
Chương VII: Điều khoản thi hành, gồm có 3 Điều.
Điều kiện hoạt động của sàn giao dịch bất động sản
Dự thảo Nghị định nêu rõ, sàn giao dịch bất động sản (sàn) hoạt động phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản.
Sàn giao dịch bất động sản là doanh nghiệp độc lập. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản phải chịu trách nhiệm về hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.
Người quản lý điều hành sàn do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bổ nhiệm, được ủy quyền quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản, chịu trách nhiệm trước người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và trước pháp luật về hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.
Sàn giao dịch bất động sản phải có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ giao dịch ổn định trên 12 tháng.
Sàn giao dịch bất động sản phải có diện tích tối thiểu là 50m2 và trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu theo nội dung hoạt động sàn giao dịch.
Các hoạt động dịch vụ của sàn giao dịch bất động sản phải được thực hiện thông qua hợp đồng.
Sàn giao dịch bất động sản có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền, báo cáo về phòng chống rửa tiền theo quy định của pháp luật về Phòng chống rửa tiền.
Nội dung hoạt động của sàn giao dịch bất động sản
Sàn giao dịch bất đông sản hoạt động theo nội dung quy định tại Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản.
Việc xác nhận các giao dịch bất động sản thực hiện như sau:
Các giao dịch bất động sản thông qua hình thức trực tiếp thì được xác nhận bằng văn bản. Trường hợp giao dịch bất động sản thông qua hình thức điện tử thì thực hiện việc xác nhận điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và quy định của pháp luật có liên quan.
Trong văn bản xác nhận giao dịch bất động phải có đủ chữ ký của đại diện doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án, đại diện Sàn giao dịch bất động sản, cá nhân môi giới và con dấu của doanh nghiệp tương ứng với các hình thức giao dịch.
Nguồn: Báo xây dựng