Tạo bước đột phá công tác cán bộ
Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa có Tờ trình số 16 về việc báo cáo tình hình tổ chức soạn thảo và xin ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo tờ trình, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị và xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy về việc áp dụng pháp luật về quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Trong đó, có việc UBND Thành phố xin ý kiến về quy định Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội, được tuyển dụng không qua thi tuyển đối với cá nhân có năng lực, trình độ cao đang ở ngoài khu vực Nhà nước và bổ nhiệm chức danh quản lý, điều hành ở một số đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố.
Để thưc hiện thành công mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội Văn hiến- Văn minh- Hiện đại, chất lượng nguồn nhân lực nói chung, công tác cán bộ nói riêng đóng vai trò quan trọng (Ảnh một góc đô thị Hà Nội-PV) |
Theo đánh giá của một số chuyên gia, kiến nghị trên của UBND thành phố Hà Nội là một trong những bước đột phá để mở cánh cửa thu hút nhân tài từ khu vực ngoài Nhà nước vào quản lý, điều hành các đơn vị sự nghiệp công lập. Kiến nghị này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với cách chọn hiền tài của cha ông và Bác Hồ kính yêu cũng như không trái với thể chế chính trị của đất nước. Cụ thể, từ cách đây nhiều thế kỷ, cha ông ta đã luôn đề cao tinh thần “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nên đã tổ chức các cuộc thi để tìm người hiền tài. Chỉ hơn 2 tháng sau khi nước nhà độc lập, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Nhân tài và kiến quốc”. Một năm sau, ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ra Chỉ thị “Tìm người tài đức”. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết bao người tài đức, các nhân sĩ, trí thức ở trong nước và nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã tự nguyện và nồng nhiệt đi theo Bác Hồ và cách mạng, đóng góp trí tuệ và tài sản cá nhân cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như cho công cuộc xây dựng hòa bình.
Với thể chế chính trị đất nước, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Do đó, việc người đứng đầu chính quyền Thành phố được phép chọn, không qua thi tuyển để thu hút nhân tài từ ngoài khu vực Nhà nước vào làm việc, quản lý tại các đơn vị công lập cũng không trái quy định của Đảng. Đảng ta là đảng cầm quyền và lãnh đạo toàn diện đất nước. Song Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị. Quốc hội cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng bằng luật pháp; Chính phủ và chính quyền các cấp là cơ quan triển khai (hành pháp). Thế nên, mục tiêu cuối cùng của các cơ quan hành pháp là triển khai hiệu quả công tác điều hành, quản lý kinh tế – xã hội. Muốn kinh tế tăng trưởng cao, hiệu quả tốt phải có đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ quản lý giỏi tại các cơ quan. Do vậy, việc UBND thành phố Hà Nội đề xuất Chủ tịch UBND Thành phố được tuyển dụng không qua thi tuyển đối với cá nhân có năng lực, trình độ cao đang ở ngoài khu vực Nhà nước và bổ nhiệm chức danh quản lý, điều hành ở một số đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố sẽ là bước tiến đột phá về công tác cán bộ. Đồng thời, phù hợp với quy định trách nhiệm người đứng đầu.
Nguồn: Báo lao động thủ đô