Tăng trưởng và xuất siêu: Những con số tích cực, ấn tượng của kinh tế 2 tháng đầu năm
Xuất, nhập khẩu đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm nay khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng tới 18,6% so với cùng kỳ năm 2023; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức xuất siêu 3,5 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023. Những kết quả khả quan có được là nhờ số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng. Điều này cho thấy nỗ lực và linh hoạt của doanh nghiệp trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới tuy có phục hồi nhưng chưa rõ ràng.
Xuất khẩu hàng hóa
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 16,14 tỷ USD, tăng 33,3%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 43,2 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 72,8%.
Trong 2 tháng đầu năm 2024 có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,5%). Có tới hơn 20 mặt hàng đạt mức tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước (trong đó có 17 mặt hàng tăng trên 30%, 7 mặt hàng tăng trên 50%).
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt mức tăng trưởng cao như: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt trên 9,5 tỷ USD, tăng 33,9%; dệt may đạt 5,2 tỷ USD, tăng 15%; giày dép đạt 3,3 tỷ USD, tăng 18,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 43,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,2 tỷ USD, tăng 15,7%; sắt thép đạt 1,5 tỷ USD, tăng 45,7%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 1,4 tỷ USD, tăng 65%.
Các sản phẩm thuộc nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục đà tăng trưởng tích cực của năm 2023 như: Thủy sản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 33,3%; cà phê đạt 1,3 tỷ USD, tăng 67,5%; rau quả đạt 890 triệu USD, tăng 58,5%; gạo đạt 639 triệu USD, tăng 35,2%; hạt điều đạt 568 triệu USD, tăng 60,5%; cao su đạt 429 triệu USD, tăng 16,6%.
Ngay từ đầu năm, nền kinh tế Việt Nam đã có những điểm sáng.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024, trong 4 nhóm hàng xuất khẩu chính có tới 3 nhóm tăng trưởng cao, chỉ duy nhất nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên nhóm hàng này chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu, ước đạt 0,59 tỷ USD. Các nhóm hàng tăng cao gồm: Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 52,45 tỷ USD, chiếm 88,4%, tăng 17,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 5 tỷ USD, chiếm 8,4%, tăng 43,1%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 2,2%, tăng 22,3%.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc nâng cấp quan hệ thương mại với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu (trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ đã tăng tới gần 34% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản tăng 19,6%; Trung Quốc tăng 7,7%). Nhiều cơ hội đang đến với ngành sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng để tận dụng cơ hội từ thị trường thì nỗ lực sản xuất vẫn chưa đủ, mà các doanh nghiệp cần phải hiểu và chủ động hơn trên thương trường quốc tế.
Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 19,67 tỷ USD, tăng 27,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,95 tỷ USD, tăng 13,3%.
Trong 2 tháng đầu năm 2024 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 71% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 41,3%). Các mặt hàng chủ lực đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, nhiều mặt hàng đạt mức tăng trên 20% như: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,6 tỷ USD, chiếm 28,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 24,4%; máy móc tiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 7 tỷ USD, tăng 24,8%; sắt thép đạt 2 tỷ USD, tăng 62,7%; dầu thô đạt 1,6 tỷ USD, tăng 27,5%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,3 tỷ USD, tăng 32,1%; than đá đạt 1,3 tỷ USD, tăng 66,1%.
Trong các nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất 94,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, đạt 51,47 tỷ USD, tăng tới 19,1%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 21,1%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu tăng 17,3%. Nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng cao cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang tăng cường nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất trong nước. Đây là tín hiệu khá tích cực so với bức tranh ảm đảm của nửa đầu năm 2023.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,53 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,25 tỷ USD.
Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng
Trong 2 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,9 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại với Hoa Kỳ ước tính xuất siêu đạt 15,2 tỷ USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9%; xuất siêu sang Nhật Bản đạt 0,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,2 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 12,8 tỷ USD, tăng 98,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 3,7 tỷ USD, giảm 4,3%; nhập siêu từ ASEAN 1 tỷ USD, giảm 21,9%.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng chính là điểm nhấn cho bức tranh kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn rất khó đoán định, nhu cầu hàng hoá tại nhiều thị trường lớn sụt giảm nhưng kết quả xuất khẩu đạt được trong 2 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng cao. Điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác các thị trường truyền thống và những thị trường mới, thị trường tiềm năng.
Trong khi xuất khẩu sang các thị trường truyền thống chững lại thì các thị trường mới như châu Phi, Tây Á, Đông Âu, Bắc Mỹ tăng trưởng về giá trị xuất khẩu… Nhờ vậy, mức độ suy giảm thương mại ngày càng thu hẹp từ nửa cuối năm 2023 và tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2024. Chuỗi cung ứng mà trước đây chúng ta mong muốn sản xuất ở Việt Nam đã bắt đầu được hình thành. Chính vì vậy, những doanh nghiệp đó đủ tiêu chuẩn để đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng xuất khẩu.
Việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu sẽ đặt ra nhiều bài toán mới đối với doanh nghiệp, đòi hỏi chương trình xúc tiến thương mại phải được nâng cao và mở rộng, đi kèm với các chính sách mang tính chiến lược của Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu ngày càng hiệu quả hơn.
Như vậy, chỉ sau 2 tháng nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đã xuất hiện những tín hiệu khả quan, điều này cho chúng ta một niềm tin vào tăng trưởng tích cực trong năm 2024. Một tín hiệu tích cực nữa là xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt mức tăng cao gấp đôi mức tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Về xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước tăng 33,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 14,7%. Về nhập khẩu, khu vực kinh tế trong nước tăng 27,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,3%. Điều này cho thấy năng lực của các doanh nghiệp đã cải thiện nhiều nhờ sự thích ứng và tận dụng được cơ hội thị trường. Qua đó, đóng góp khả quan trong bức tranh tăng trưởng xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay. Đây cũng là cơ sở để có thể kỳ vọng mục tiêu xuất khẩu cả năm sẽ tăng trưởng ở mức trên 6% như đã đề ra.
Xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng cao là cơ sở để thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo động lực tăng trưởng cho cả 3 khu vực nông lâm thuỷ sản, công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Đây cũng chính là những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục đạt xuất siêu.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm khai thông thị trường xuất khẩu; trong đó, có những thành tích lớn về công tác đàm phán, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường này, vấn đề cần chú trọng là phát triển được nguồn hàng cho xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để được hưởng nhiều lợi ích từ thuế suất thấp, từ cơ chế hỗ trợ giữa các thành viên ký kết FTA, thông qua việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan. Đặc biệt, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, qua đó giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường cảnh báo sớm, hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng mong muốn công tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được triển khai theo hướng cụ thể, sâu sát theo từng thị trường và ngành hàng.
Trong đó, sớm khắc phục những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như cách thức tiếp cận kinh tế tuần hoàn; sản xuất và tiêu dùng bền vững; cập nhật thông tin thị trường và khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, cũng như tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp.
Nam Dương