Tăng tốc phát triển ngành Du lịch

Thời gian qua, ngành Du lịch đã có sự tăng trưởng tích cực. Theo thông tin của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6,6 triệu lượt; lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 76,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tính riêng tháng 7/2023, tháng đầu tiên trong năm 2023 ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Bên cạnh đó, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam vẫn tăng cao, năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117 nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số xếp hạng tốt nhất thế giới.

Tăng tốc phát triển ngành Du lịch
Ảnh minh họa

Những con số nổi bật nêu trên là kết quả của sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn ngành, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi ban hành các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển. Cùng với đó là sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương, sự đồng hành, sát cánh của doanh nghiệp và công tác chỉ đạo định hướng kịp thời, hiệu quả về cơ cấu lại thị trường, làm mới sản phẩm dịch vụ, liên kết phát triển và quảng bá xúc tiến du lịch, chính sách xuất nhập cảnh mới… từ đó đóng góp tích cực trong việc duy trì tốc độ phục hồi và bước đầu vượt qua khó khăn sau dịch bệnh của ngành Du lịch.

Trong đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, đề xuất các cấp ban hành các chính sách mới rất kịp thời, phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch. Tiêu biểu là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách thị thực và xuất nhập cảnh mới tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Nghị quyết số 127/NQ-CP về cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; Nghị quyết số 128/NQ-CP về nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với công dân 13 nước được miễn thị thực. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, đều có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với xu hướng tất yếu về phát triển du lịch, đáp ứng yêu cầu và mong mỏi của các địa phương, doanh nghiệp.

Với nhiều chính sách mới được ban hành, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 61 điểm cầu trên cả nước. Hội nghị được tổ chức ngày 15/8, đúng thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực với các chính sách thị thực mới.

Tại Hội nghị này, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã nêu những giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP.

Theo đó, Nghị quyết số 82/NQ-CP đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

Các nhóm nhiệm vụ được triển khai thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm với phương châm “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch, đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Nghị quyết cũng đặt ra trách nhiệm cụ thể của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nêu trên.

Về Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu tổng quát hướng đến định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa. Năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa. Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bao gồm: Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; tập trung, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ marketing du lịch; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông du lịch; nâng cao năng lực marketing du lịch.

Đây là những chính sách có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với xu hướng tất yếu về phát triển du lịch, đáp ứng yêu cầu và mong mỏi của các địa phương, doanh nghiệp. Qua đó, định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai xây dựng kế hoạch hành động, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về phát triển du lịch trong thời kỳ mới.

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích