Tăng tính răn đe, ngăn chặn vi phạm pháp luật bảo hiểm
Cần thống kê, nhận diện rõ các hành vi vi phạm
Trong hai ngày 17-18/10, đoàn công tác liên ngành của Bộ Công an và BHXH Việt Nam đã làm việc với Công an tỉnh và BHXH các tỉnh: Bắc Giang, Quảng Ninh về đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Trước đó, đoàn cũng đã làm việc với 4 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam về các nội dung này.
Đoàn công tác của Bộ Công an và BHXH Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện Quy chế số 01 tại BHXH tỉnh Bắc Giang. |
Tại các tỉnh, thành phố, đoàn công tác tập trung đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BCA-BHXHVN (Quy chế số 01) về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT tại địa bàn, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quy chế số 01, góp phần phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, trên cơ sở phối hợp, BHXH và cơ quan Công an đã thực hiện rà soát, lựa chọn các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm pháp luật để tiến hành thanh tra liên ngành về việc đóng BHXH, BHYT; kiểm tra việc thanh toán, giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức – phục hồi sức khỏe tại các đơn vị sử dụng lao động có số nợ BHXH, BHYT kéo dài…
Điển hình như tại tỉnh Quảng Ninh, tính đến hết tháng 9/2022, Giám đốc BHXH tỉnh đã ban hành 3 quyết định về việc phối hợp với Công an tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 11 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí. Qua đó, đã phát hiện 11 người lao động chưa được đóng, đóng thiếu thời gian và truy thu số tiền trên 159 triệu đồng; 8 người lao động đóng sai đối tượng, đóng thừa mức đóng, phải truy giảm. Trong quá trình thanh tra, một số đơn vị đã chủ động khắc phục, đóng hết hoặc đóng một phần số tiền nợ (tổng số tiền đã truy nộp được trên 970 triệu đồng).
Tại tỉnh Bắc Giang, theo báo cáo của liên ngành Công an – BHXH tỉnh, tháng 5/2022, Công an và BHXH huyện Hiệp Hòa đã phối hợp điều tra làm rõ vụ án “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Trung tâm Y tế huyện. Theo đó, đã phát hiện 3 trường hợp người lao động thuộc Công ty Cổ phần May xuất khẩu Hà Phong dùng Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH không đúng quy định để giải quyết hưởng chế độ ốm đau. Đến nay, BHXH tỉnh đã thu hồi đầy đủ số tiền về Quỹ BHXH…
Tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2022 đến nay, BHXH tỉnh Đồng Nai đã chuyển 5 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, xử lý như: Hồ sơ khống, gian lận BHYT của Phòng khám đa khoa Tân Long; 11 hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ BHXH của người lao động có dấu hiệu dùng hồ sơ giả…
Theo đại diện Công an tỉnh, đến tháng 3/2022, trên địa bàn tỉnh có 369 đơn vị nợ BHXH, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trên 11.000 người lao động. Cơ quan Công an đã phối hợp xử lý nhiều đơn vị, nhưng nhìn chung tình trạng chậm đóng BHXH còn phổ biến. Đây là tội phạm mới được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2017, nên việc củng cố hồ sơ, tài liệu xử lý theo pháp luật còn gặp khó khăn, nhất là trong việc xác định hành vi giữa chậm đóng và trốn đóng.
Đại diện BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại về xử lý hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH chưa được thực hiện như đề xuất của cơ quan BHXH do “không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 216 Bộ luật Hình sự”. Do vậy, BHXH tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Công an cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục, thành phần hồ sơ để thuận tiện cho cơ quan BHXH khi kiến nghị khởi tố theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.
Tiếp tục xem xét hoàn thiện các quy định pháp luật
Qua làm việc tại các địa phương, ý kiến các đại biểu cho rằng, công tác phối hợp giữa cơ quan Công an và cơ quan BHXH đã được triển khai rất chặt chẽ và đạt được những kết quả tích cực, song hiện nay hoạt động này vẫn còn gặp phải một số vướng mắc, điển hình như việc xác định hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH, BHYT chưa có hướng dẫn cụ thể, nên khó khăn trong công tác phối hợp xử lý vi phạm đối với các đơn vị chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT…
Một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế, chính sách BHXH còn có kẽ hở, chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm, mức xử phạt hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH còn thấp nên cố tình chậm nộp, nợ BHXH, BHYT kéo dài; một số doanh nghiệp giải thể, phá sản, có chủ bỏ trốn, dẫn đến nhiều người lao động không được đảm bảo quyền lợi… Trong khi đó, trên thực tế vẫn còn nhiều người lao động không dám đấu tranh với chủ sử dụng lao động để đòi quyền lợi an sinh chính đáng của bản thân…
Từ những vướng mắc, tồn tại trong thực tế, đại biểu tham dự các buổi làm việc với đoàn công tác cũng đề xuất nhiều kiến nghị khác như: Trong khi mức xử phạt nợ BHXH thấp, việc chậm đóng BHXH, BHYT cần phải được xem là hành vi vi phạm nghiêm trọng; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT ngày càng tinh vi như: Mua bán sổ BHXH, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH, mượn hồ sơ đi làm, làm giả giấy tờ để chiếm đoạt BHXH…
Chia sẻ tại buổi làm việc với các tỉnh, Thiếu tướng Trần Đình Chung – Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), cho biết, trong bối cảnh hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT có xu hướng phức tạp và tinh vi hơn. Vì vậy, hai đơn vị là Công an và BHXH các tỉnh, thành phố cần tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp; phân cấp, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc rõ ràng hơn, đảm bảo có chuyển biến tích cực trong công tác phối hợp hơn nữa. Đồng thời, cơ quan BHXH cần có thống kê chi tiết để nhận diện rõ hơn các hành vi vi phạm, qua đó giúp cơ quan Công an triển khai ngăn ngừa, xử lý tốt hơn các hành vi này.
Từ thực tế làm việc tại các tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thiếu tướng Trần Đình Chung nhấn mạnh, việc chậm đóng, trốn đóng BHXH hiện có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại cho người lao động và gây dư luận xã hội không tốt. Do đó, đối với những vấn đề tồn tại do chính sách thì cần phải sửa đổi để có thể xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cùng chủ trì chương trình làm việc tại các tỉnh, thành phố để đánh giá kết quả thực hiện Quy chế số 01, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đề nghị, BHXH các tỉnh cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và nhất là ở khâu trao đổi, chia sẻ thông tin thường xuyên với Công an tỉnh để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT; tích cực cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình thực hiện thu, chi, giải quyết chế độ nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người tham gia.
Từ các kiến nghị, đề xuất tại cơ sở, đoàn công tác sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến để xem xét, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô