Tăng thêm quyền lợi thai sản cho lao động nữ

Bổ sung thêm chế độ thai sản cho các trường hợp hiếm muộn

Góp ý vào điều kiện hưởng chế độ thai sản, bà Nguyễn Thị Thanh Hoàn -Trưởng Ban Chính sách pháp luật quan hệ lao động Công đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng: Khoản 2,3 Điều 47 Dự thảo Luật BHXH quy định lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 3 – 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Về điểm này, Công đoàn Dệt May kiến nghị: Cần bổ sung thêm quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản cho các trường hợp hiếm muộn phải nghỉ việc không lương dài ngày để điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền đối với lao động nữ đã có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên.

Tăng thêm quyền lợi thai sản cho lao động nữ
Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng quyền lợi hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ. (Ảnh minh họa: B.D)

Từ thực tế lao động ngành May sử dụng tới hơn 70% là lao động nữ, chia sẻ kỹ hơn về lý do kiến nghị, bà Hoàn cho biết: Hiện nay, do ô nhiễm môi trường, thực phẩm và dịch bệnh nhiều…nên trong công nhân lao động ngành May đã có nhiều trường hợp hiếm muộn và phải áp dụng các biện pháp y khoa để điều trị cho cả 2 vợ chồng hoặc thụ tinh ống nghiệm… nên các lao động nữ thường phải nghỉ dài ngày (từ 3 – 6 tháng, thậm chí hàng năm) mới có thể mang thai và khi mang thai cũng phải nghỉ lao động để theo dõi.

Do phải nghỉ việc không lương trên 14 ngày nên lao động nữ này bị gián đoạn thời gian đóng BHXH và không đáp ứng được điều kiện đóng từ đủ 3 – 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Do đó, những lao động nữ không được hưởng chế độ thai sản (dưỡng thai, hưởng chế độ khi sinh con) mặc dù trước đó lao động nữ này đã có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên.

Bà Hoàn dẫn chứng thêm: Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 và công bố của Cục Dân số – Bộ Y tế trong những năm gần đây, 21 tỉnh thành trong cả nước (tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung) có mức sinh rất thấp và đang phải thực hiện các giải pháp khuyến sinh.

Tại các tỉnh thành này là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp dệt may đóng trên địa bàn. Do đó, việc sửa đổi bổ sung các quy định về chế độ nghỉ khi con ốm đau, chế độ thai sản cho lao động nữ (tăng số lần nghỉ khám thai, bổ sung quy định cho lao động nữ hưởng chế độ thai sản khi phải nghỉ việc dài ngày điều trị hiếm muộn) có thể xem là những giải pháp khuyến sinh nhằm đảm bảo “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” như thông điệp chính sách dân số tại các tỉnh thành trên.

Tăng thời gian nghỉ việc đi khám thai

Góp ý vào Điều 49 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định thời gian hưởng chế độ khi khám thai: “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần, mỗi lần từ 1 đến 2 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần…”, nhiều ý kiến cho rằng, trong 1 kỳ thai sản, người lao động chỉ được nghỉ việc đi khám thai 5 lần là quá ít.

Thực tiễn cho thấy, chu kỳ thai sản của con người là 9 tháng 10 ngày, chưa kể khi mang thai đến tháng thứ 7, bác sĩ thường hẹn thai phụ tái khám hàng tuần để theo dõi thai nhi cho đến khi sinh con được an toàn. Như thế, hiện nay Luật quy định 5 lần cho 1 chu kỳ thai sản là chưa thật sự phù hợp với thực tế, nhất là nhu cầu sinh con của giới trẻ ngày càng khó, tình trạng hiếm muộn ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Từ đó, nhiều cán bộ Công đoàn đề xuất: Bổ sung thời gian nghỉ việc đi khám thai trong 1 chu kỳ thai sản là 9 lần, nhằm tạo điều kiện và kích thích quá trình tái tạo sức lao động của người dân, đảm bảo và duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Bàn về Khoản 1, Điều 48 của Dự thảo Luật BHXH, PGS.TS Ngô Thị Hoài Thu – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Quy định này không hợp lý, bởi trên thực tế, trong suốt thời gian mang thai và sinh con, người lao động nữ đi khám thai nhiều hơn 5 lần. Các khuyến nghị dưới góc độ y khoa đều cho biết, thông thường người phụ nữ mang thai phải trải qua ít nhất khoảng 7 lần đi khám thai định kỳ. Ngoài ra, còn có những lần khám thai theo chỉ định đặc biệt của bác sĩ, để đảm bảo sự phát triển của thai nhi và an toàn sức khỏe cho người mẹ”.

Vì thế, PGS.TS Ngô Thị Hoài Thu kiến nghị dự thảo Luật cần điều chỉnh theo hướng tăng số lần nghỉ việc để đi khám thai lên 7 lần. Ngoài ra, người lao động nữ có thể nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trong trường hợp phải đi khám thai nhiều hơn 7 lần theo chỉ định của bác sĩ.

Đồng thuận với những kiến nghị trên, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị xem xét quy định số lần khám thai cho lao động nữ tối thiểu 5 lần. Đối với trường hợp có chỉ định của cán bộ y tế có thẩm quyền, người lao động có thể khám thai nhiều hơn 5 lần để đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi.

Bảo Duy

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích