Tăng sức hấp dẫn các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, địa phương cần tập trung huy động nguồn lực phục vụ cho phát triển, khuyến khích đầu tư xã hội hóa nhằm tăng phúc lợi cho người dân, phát huy nguồn lực từ quỹ đất hiện có để đầu tư cho tỉnh và cho các địa phương.
Đặc biệt cần quan tâm kiến tạo không gian phát triển, nâng cao chất lượng, thay đổi diện mạo và sức hấp dẫn của các khu công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và Cụm Công nghiệp Phước Tân. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho sự phát triển toàn diện và bền vững; quan tâm mở thêm trường đào tạo dạy nghề cho thanh niên, nâng cao trình độ, các ngành tại các trường nghề hiện nay. Đồng thời tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; giảm tải các lớp học có sĩ số cao; thúc đẩy văn hóa đọc, nhất là tại các cơ quan, trường học.
Tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung huy động nguồn lực phục vụ cho phát triển, khuyến khích đầu tư xã hội hóa nhằm tăng phúc lợi cho người dân. |
Đồng Nai là địa bàn có nhiều khu công nghiệp nhất tại các tỉnh phía Nam với 32 khu công nghiệp tập trung được Chính phủ phê duyệt, đi vào hoạt động với gần 780.000 lao động. Việc quy hoạch khu công nghiệp đang là nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai. Tại kỳ họp chuyên đề Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đồng Nai khóa X diễn ra ngày 15/4, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua nghị quyết hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai quy hoạch, nhằm thay đổi diện mạo đô thị, đặc biệt tăng khả năng “hấp dẫn” đối với các khu công nghiệp.
Theo quy hoạch, đến năm 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế, du lịch dịch vụ gắn với văn hóa tâm linh và đô thị đẳng cấp quốc tế với mô hình đô thị thông minh bền vững, đáng sống, nơi tập trung trí thức và nhân tài. Tầm nhìn đến năm 2050, ngành công nghiệp của Đồng Nai dẫn đầu cả nước với các ngành công nghiệp công nghệ cao, là động lực tăng trưởng ch nh trong những năm tới của nền kinh tế. Trong đó, tỉnh chú trọng vào công nghiệp hỗ trợ cho nhóm ngành giá trị cao trong nước và trên thế giới và song song đó, duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ các nhóm ngành chủ lực còn lại.
Nền tảng cho ngành công nghiệp tỉnh Đồng Nai bứt phá trong thời kỳ quy hoạch đến năm 2050 là các bước tiến trong khoa học kỹ thuật, ứng dụng mô hình công nghiệp 4.0, mô hình sản xuất thông minh (SMART) vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo nâng cao giá trị, phát triển bền vững và hướng tới hoàn thiện toàn bộ chuỗi giá trị của các ngành nghề, lĩnh vực thế mạnh.
Trong đó sẽ tập trung nguồn lực cho việc phát triển các khu công nghiệp. |
Trong lộ trình đến 2050, giai đoạn 2022 – 2025 là thời kỳ đẩy mạnh việc triển khai và thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành nghề, lĩnh vực vào các khu công nghiệp hiện hữu và mới thành lập trên địa bàn tỉnh, trong đó, chú trọng thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp cao và bước đầu hình thành các KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao trên địa bàn.
Giai đoạn 2025 – 2030, tỉnh Đồng Nai phấn đấu trở thành tỉnh dẫn đầu trong phát triển công nghiệp, là trung tâm công nghiệp hỗ trợ của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với đó là đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển cũng như các trung tâm đào tạo nghề nghiệp hiện đại của khu vực và cả nước, hình thành sơ bộ hệ sinh thái công nghiệp 4.0 ở tỉnh.
Tỉnh Đồng Nai cũng xác định 5 trụ cột phát triển, trong đo có trụ cột trung tâm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại.
Giai đoạn 2025 – 2030, tỉnh Đồng Nai phấn đấu trở thành tỉnh dẫn đầu trong phát triển công nghiệp, là trung tâm công nghiệp hỗ trợ của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến năm 2050, Đồng Nai sẽ là trung tâm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ công nghiệp của cả nước và khu vực. Nhóm sản phẩm mũi nhọn gồm công nghiệp hàng không; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai sẽ phát triển ngành công nghiệp theo định hướng hướng KCN xanh, KCN sinh thái hiện đại gắn với thành phố sân bay, trong đó có ít nhất 3 KCN xanh đạt chuẩn Net-Zero, hình thành các “thung lũng” cơ khí điện tử, hóa dược – sinh học hiện đại.
Nguồn: Báo lao động thủ đô