Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đường thủy nội địa để khắc phục bất cập

 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh. Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Nhiều mức xử phạt còn thấp, không đủ sức răn đe

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ chiều 6/9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết: Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) nhằm bổ sung một số hành vi vi phạm mới phát sinh và chế tài xử lý theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, bảo đảm sự răn đe đối với hành vi vi phạm, khắc phục các khó khăn, bất cập, vướng mắc đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn và các quy định mới của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 132/2015/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ đã đem lại những kết quả to lớn, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông ĐTNĐ.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022 có một số nội dung liên quan trực tiếp đến Nghị định số 132/2015/NĐ-CP như tăng mức phạt tiền thuộc thẩm quyền xử phạt của giám đốc cảng vụ ĐTNĐ từ 25.000.000 đồng lên 50.000.000 đồng, một số thuật ngữ đã được thay đổi; dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP đang được sửa đổi, bổ sung, trình Chính phủ, trong đó có một số nội dung liên quan trực tiếp đến nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

Bên cạnh đó, nhiều mức xử phạt được quy định tại Nghị định 132/NĐ-CP rất thấp, không đủ sức răn đe như xử phạt từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng với việc kẻ, gắn số đăng ký của phương tiện không đúng quy định; số đăng ký kẻ, gắn trên phương tiện bị mờ hoặc bị che khuất; biển ghi số người được phép chở trên phương tiện bị mờ hoặc bị che khuất; kẻ không đúng quy định hoặc để mờ, che khuất vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện…

Bên cạnh đó, mức tiền phạt được áp dụng trong Nghị định còn thấp, không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội hiện nay; cách chia các nhóm phương tiện tại Nghị định chưa thống nhất, chưa được phù hợp tương ứng với mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm; chưa có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm như không ghi hoặc ghi chép không đầy đủ sổ nhật ký hành trình, sổ nhật ký máy; không có dấu hiệu chỉ dẫn, cảnh báo nơi nguy hiểm, dễ cháy, dễ nổ và thuyền viên không biết sử dụng các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy…

Khắc phục bất cập trong xử phạt vi phạm hành chính

Theo Bộ GTVT, việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 132/2015/NĐ-CP hiện nay nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông ĐTNĐ, bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển vận tải thủy. Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức triển khai Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính nói chung và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ nói riêng.

Đồng thời, cũng đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giao thông đường thủy nội địa, bảo đảm an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Dự thảo Nghị định là cơ sở bảo đảm việc thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật, thuận lợi trong quá trình tra cứu và áp dụng; công khai, minh bạch, khách quan, góp phần hoàn thiện quy định của Nhà nước.

Do đó, cơ quan soạn thảo kiến nghị sửa đổi các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo hướng quy định chi tiết về hình thức xử lý, mức xử lý, phạm vi xử lý của từng chủ thể có thẩm quyền theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

Bộ GTVT cho biết, cảnh sát giao thông đã xử lý 832.162 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ; ra quyết định phạt tiền 801.478 trường hợp với 917.829 lỗi vi phạm, chuyển kho bạc Nhà nước thu 675.101.412.000 đồng; đình chỉ hoạt động: 2.339 trường hợp; tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn có thời hạn 435 trường hợp. Thanh tra giao thông đường thủy, ĐTNĐ, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển đã kiểm tra, phát hiện 30.669 trường hợp vi phạm và xử phạt với số tiền thu nộp kho bạc nhà nước 59.390.427.000 đồng, đình chỉ trên 1.000 trường hợp vi phạm.

Cảnh sát đường thuỷ địa phương đã phối hợp với bộ đội biên phòng về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và các quy định của pháp luật. Thông qua công tác phối hợp lập biên bản 9.602 trường hợp vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7.632 trường hợp, nộp kho bạc Nhà nước 16.323.670.000 đồng; bắt giữ gần 1.989 trường hợp là các hành vi vi phạm về sử dụng xung điện, kích điện, thuốc nổ đánh bắt thủy hải sản trái phép. Ngoài ra, các lực lượng chức năng đã phát hiện 214 vụ phạm pháp hình sự với 589 đối tượng; 1.641 vụ phạm pháp kinh tế, môi trường với 1.505 đối tượng, 4.685 vụ khai thác, vận chuyển cát sỏi trái phép và nhiều vụ buôn lậu, gian lận các hàng hóa khác.

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích