Tăng lương tối thiểu vùng: Mong giá đừng tăng!

Tin vui được người lao động mong chờ

Những ngày cuối năm, giống như không ít công nhân lao động (CNLĐ) khác, ngoài giờ làm việc tại Công ty, chị Khuất Thị Hà – công nhân một doanh nghiệp dệt may đóng trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội lại tranh thủ làm thêm công việc bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Nghe tin Hội đồng lương Quốc gia đã họp và chốt sẽ đề xuất với Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024 với mức tăng là 6%, chị Hà rất vui mừng. Chị Hà cho biết, thời gian gần đây, Công ty ít việc, công nhân không phải tăng ca nên thu nhập giảm sút nhiều, trong khi đó, chi tiêu, sinh hoạt phí đắt đỏ, nên công nhân ai cũng mong ngóng sẽ được tăng lương. “Chồng tôi sức khỏe yếu không có việc làm, thu nhập, con thì nhỏ đang tuổi ăn học, tôi đã hết sức tằn tiện mà cuộc sống vẫn eo hẹp. Nếu lương tối thiểu vùng được tăng thêm, tôi mới có thể hy vọng cuộc sống bớt đi phần nào khó khăn”- chị Hà nói.

Tăng lương tối thiểu vùng: Mong giá đừng tăng!
Tăng lương tối thiểu vùng là mong mỏi của NLĐ, song sẽ ý nghĩa hơn nếu giá không tăng theo lương (Ảnh minh họa)

Tương tự, anh Nguyễn Duy Phương (25 tuổi) – công nhân Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam cũng không giấu nổi niềm vui khi nghe tin sẽ được tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2024. Anh Phương cho biết, thời gian qua, do khủng hoảng kinh tế nên đơn hàng của công ty giảm đi, nhiều công nhân đã phải nghỉ việc. Dù may mắn vẫn giữ được việc làm nhưng anh Phương cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi tiền lương tăng ca không còn, các khoản phụ cấp cũng cắt giảm nhiều. Hiện nay, tiền lương của anh Phương chỉ được gần 10 triệu đồng/tháng. Chi phí cho tiền ăn, tiền thuê nhà, chi phí nuôi con cái học hành… khiến anh không còn tích lũy. Vì khó khăn, vợ chồng anh đã phải gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp để giảm đỡ chi phí.

“Mong muốn lớn nhất của NLĐ lúc này là được thuê nhà ở xã hội giá rẻ và mong Chính phủ tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng để bù đắp thu nhập cho CNLĐ. Chính vì vậy, việc Hội đồng lương Quốc gia đã họp và chốt sẽ đề xuất với Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6% trong năm 2024 cho NLĐ là một tin rất vui đối với chúng tôi. Việc tăng lương không chỉ giúp CNLĐ đảm bảo, duy trì mức sống tối thiểu, mà còn tiếp thêm động lực để NLĐ an tâm làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt”- anh Phương nói.

Mong muốn của chị Hà, anh Phương cũng là mong muốn của đông đảo CNLĐ. Theo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, đời sống NLĐ gặp nhiều khó khăn trong những năm qua, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc sống NLĐ. Mức lương thấp không đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng. Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, tiền lương tối thiểu hiện tại chỉ đáp ứng 1/3 hoặc 1/4 chi tiêu của gia đình NLĐ. Gần 60% NLĐ tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn tăng lương. Do đó, thông tin tăng lương cho NLĐ là thông tin hết sức có ý nghĩa, được NLĐ phấn khởi mong chờ.

Nâng cao chất lượng, năng suất lao động

Bình luận về mức tăng 6% ở góc độ tổ chức đại diện NLĐ, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhìn nhận, mức tăng 6% là phù hợp trong bối cảnh NLĐ rất chia sẻ với doanh nghiệp (DN). Theo ông Hiểu, những khó khăn và tình hình của năm 2024 còn rất khó đoán định. Nhưng với tinh thần chia sẻ, cùng hành động, bên cạnh việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên NLĐ nâng cao năng suất cùng với DN vượt khó. Công đoàn cũng mong muốn trong thời gian tới các DN tiếp tục mở rộng thị trường để tăng thêm đơn hàng, có việc làm cho NLĐ.

Theo các chuyên gia lao động, tăng lương tối thiểu vùng cũng chỉ là một trong các giải pháp để cải thiện điều kiện sống cho NLĐ. Ngoài tăng lương tối thiểu, Chính phủ có thể xem xét đến các giải pháp hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho NLĐ, như tăng cường kỹ năng nghề; tăng cường hỗ trợ, trợ cấp…giúp NLĐ giữ vững việc làm, nâng cao năng suất lao động, tạo nền tảng cho phát triển bền vững – yếu tố gốc rễ để nâng cao đời sống NLĐ. Đặc biệt, đi kèm với tăng lương phải ghìm cương tăng giá.

“Mức tăng lương tối thiểu 6% cơ bản đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả tăng cao, nhất là vào dịp giáp Tết đối với những mặt hàng thiết yếu thì NLĐ tiếp tục gặp những khó khăn. Nhưng trong điều kiện DN còn đang thiếu nhiều đơn hàng, chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ và chắc chắn rằng, NLĐ cả nước cũng sẽ như vậy, để chúng ta cùng nhau có những kết quả tốt hơn trong năm tới” – ông Hiểu cho hay.

Từ góc độ DN, Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn nhìn nhận, với mức tăng 6% này đã được các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia trao đổi hết sức thấu đáo về nhiều vấn đề, đồng thời có xem xét tới ngắn hạn, trung hạn và khoảng 2 năm sau. “Mức tăng 6% là phù hợp với tình hình chung về cả thuận lợi cũng như khó khăn của cộng đồng DN. Riêng đối với ngành da giày, mức tăng lương tối thiểu 6% là chấp nhận được” – ông Thuấn thông tin.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng khẳng định, mức tăng 6% đã được cân nhắc trên cơ sở có xem xét đến những khó khăn của nền kinh tế năm 2023, dự báo tình hình năm 2024 và thể hiện sự nỗ lực, chia sẻ giữa các bên. Như vậy, sau khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia khuyến nghị với Chính phủ về phương án lương tối thiểu tăng thêm 6% từ ngày 1/7/2024, Bộ LĐTBXH sẽ xây dựng và trình dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, áp dụng cho năm 2024.

Phạm Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích