Tăng hiệu quả ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong lĩnh vực đường bộ

(Xây dựng) – Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.

Tăng hiệu quả ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong lĩnh vực đường bộ
Triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong lĩnh vực giao thông đường bộ. (Ảnh: Việt Hoan)

Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định thành lập Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự của Bộ để giúp Bộ trưởng thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi quản lý.

Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự của Bộ gồm: Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tại Cơ quan Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự của Cục Đường bộ Việt Nam và Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các Khu Quản lý đường bộ.

Theo dự thảo, căn cứ vào dự báo, cảnh báo loại hình thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai, diễn biến thiên tai, các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Cục Đường bộ Việt Nam (đối với hệ thống quốc lộ), Sở Giao thông vận tải (đối với đoạn tuyến quốc lộ được giao quản lý), UBND cấp tỉnh (đối với hệ thống đường địa phương, công trình hoặc dự án đường bộ đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên hệ thống quốc lộ mà UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền) chỉ đạo, chỉ huy triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự của ngành Đường bộ phải thường trực 24/24 giờ

Dự thảo nêu rõ, các Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự của ngành Đường bộ phải thường trực 24/24 giờ để theo dõi sát diễn biến tình hình sự cố, thiên tai; căn cứ vào mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng của thiên tai, điều kiện địa hình và tình hình thực tế để lựa chọn, áp dụng các biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp, kịp thời; trực tiếp chỉ đạo hoặc tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chỉ đạo, điều hành bộ máy của mình thực hiện giải pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề ra.

Bên cạnh đó, theo dự thảo, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ phải hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ phòng ngừa thiên tai được giao trước mùa mưa, bão.

Căn cứ vào dự báo, cảnh báo, cấp độ rủi ro thiên tai, diễn biến thiên tai, sự chỉ đạo, chỉ huy của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự Bộ Giao thông vận tải và Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự Cục Đường bộ Việt Nam, các Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự Khu Quản lý đường bộ, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, có trách nhiệm sau đây:

Quyết định lựa chọn phương án, biện pháp và tổ chức thực hiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện thực tế của địa bàn; trường hợp vượt quá khả năng, phải báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam (đối với hệ thống quốc lộ) và UBND cấp tỉnh (đối với đường địa phương) để phối hợp chỉ đạo ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phối hợp với Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương chủ động tổ chức công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.

Tổng hợp và báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo.

Cứu người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của nhân dân

Dự thảo nêu rõ, khi thiên tai xảy ra, các cơ quan quản lý đường bộ, Ban Quản lý dự án, doanh nghiệp quản lý, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ và nhà thầu thực hiện bảo trì đường bộ, theo phạm vi trách nhiệm, nhiệm vụ được giao phải thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề ra, bảo đảm các yêu cầu sau:

Cứu người, bảo vệ tài sản của nhà nước, của nhân dân.

Gia cố, sửa chữa ngay tại chỗ các vị trí, khu vực công trình xảy ra sự cố để làm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trường hợp sự cố xảy ra ngoài khả năng của đơn vị mình thì phải báo cáo, đề xuất ngay lên các cơ quan có thẩm quyền để được sự hỗ trợ cần thiết.

Khi thấy nguy cơ có thể xảy ra sạt lở đường bộ, đất, đá, lũ quét gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông đường bộ cần triển khai việc hạn chế, phân luồng phương tiện hoặc cấm phương tiện qua lại.

Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá do mưa, lũ hoặc dòng chảy.

Bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phối hợp với Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự của địa phương trong việc thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng.

Phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực xảy ra sự cố, thiên tai.

Chấp hành chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai.

Dừng việc ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi thấy tình hình nguy hiểm có thể xảy ra với người và phương tiện, thiết bị thực hiện nhiệm vụ ứng phó thiên tai; đồng thời chỉ huy phong tỏa khu vực để bảo đảm an toàn.

Dự thảo nêu rõ, các cơ quan có thẩm quyền, nhà thầu thực hiện bảo trì đường bộ khi điều động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị dự phòng được giao quản lý để ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phải lập đầy đủ các thủ tục điều động, chứng từ giao nhận vật tư theo quy định của pháp luật để làm căn cứ cho việc thanh toán và hoàn trả.

Trường hợp đã điều động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư dự phòng đến hiện trường để ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhưng sự cố không xảy ra thì lập biên bản tại chỗ và mời đại diện cơ quan quản lý đường bộ, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp huyện hoặc UBND cấp huyện nơi có hiện trường, tham gia xác nhận biên bản làm cơ sở cho việc thanh toán. Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm xem xét, thẩm định và thanh toán hoặc đề nghị thanh toán cho đơn vị theo quy định.

Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 60/2020/QH14.

Theo đó, đã thay thế cụm từ “Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn” bằng cụm từ “Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự” tại một số điều khoản của Luật này.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích