Tăng giờ làm thêm: Cải thiện thu nhập, thêm tiền gửi trẻ hỗ trợ công nhân
Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội về tăng giờ làm thêm, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất doanh nghiệp bổ sung bữa ăn phụ, tiền gửi trẻ cho người lao động có con dưới 6 tuổi…
Theo hướng dẫn của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan này đề xuất bổ sung bữa ăn phụ, bữa ăn nhẹ cho người lao động sau khi kết thúc làm thêm để phục hồi sức khỏe; đề xuất các doanh nghiệp hỗ trợ tiền gửi trẻ cho người lao động nhất là lao động có con dưới 6 tuổi.
Cơ quan này cũng lưu ý công đoàn cơ sở đề xuất, đối thoại, thương lượng với doanh nghiệp quan tâm tới bữa ăn ca của công nhân lao động đảm bảo đủ chất, cân bằng dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm với giá trị bữa ăn ca bằng hoặc cao hơn mức quy định.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan này đề xuất bổ sung bữa ăn phụ, bữa ăn nhẹ cho người lao động sau khi kết thúc làm thêm để phục hồi sức khỏe (Ảnh: Gia Đoàn). |
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu công đoàn cơ sở nên thương lượng với doanh nghiệp về mức tiền lương làm thêm giờ cao hơn mức tối thiểu này hoặc cao hơn mức doanh nghiệp đang chi trả để động viên, khuyến khích và đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Trường hợp thời gian làm thêm trong 1 ca lớn hơn 3 giờ thì ngoài quy định về thời gian nghỉ giữa ca, công đoàn đề nghị doanh nghiệp bố trí giải lao ít nhất 10 sau 90 phút làm việc thêm giờ, nhất là lao động làm ở dây chuyển sản xuất liên tục.
Tăng cường hệ thống thông gió, chiếu sáng theo đúng tiêu chuẩn (giảm nhiệt độ vùng sản xuất về mùa hè bằng việc tăng cường các quạt mát, tăng mức độ thông thoáng trong nhà xưởng; đảm bảo độ rọi, độ chói lóa của hệ thống chiếu sáng theo đúng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các thiết bị, máy móc công cụ mà người lao động sử dụng hàng ngày để hạn chế tối đa các sự cố có thể gây ra tai nạn trong quá trình làm việc.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất các doanh nghiệp hỗ trợ tiền gửi trẻ cho người lao động nhất là lao động có con dưới 6 tuổi (Ảnh: Gia Đoàn). |
Theo một chuyên gia quan hệ lao động của Công đoàn Việt Nam, các đề xuất của Công đoàn xuất phát từ đánh giá của các nhà khoa học, chuyên gia lao động về việc tăng giờ làm thêm thì có đảm bảo sức khỏe hay không, quá trình tăng ca có rủi ro gì để công đoàn, người sử dụng lao động triển khai.
“Cơ chế là Công đoàn Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn dựa trên hướng dẫn để đặt vấn đề với doanh nghiệp để đối thoại, thương lượng, ký thành các bản thỏa ước lập tức trở thành quy định pháp luật của công ty.
Khi mình thực hiện nghị quyết tăng giờ làm thêm mà không quan tâm đến tâm lý của người lao động thì lợi bất cập hại, tăng nguy cơ tai nạn lao động, gây rủi ro cho chính doanh nghiệp”, vị này nói.
Theo Nghị quyết số 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, từ ngày 1/4, người lao động được làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng và cũng không được vượt quá 300 giờ mỗi năm. Cụ thể, Điều 1 của Nghị quyết nêu rõ, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm. Điều 2 của Nghị quyết quy định, trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng. |
Nguồn: Báo xây dựng