Tăng cường quản lý các trường tư thục và trường có yếu tố nước ngoài

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập Phòng Giáo dục tư thục và có yếu tố nước ngoài trực thuộc Sở. Đồng thời, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng công bố quyết định điều động, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Diệp Hồng – Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên – Đại học giữ chức Trưởng phòng Giáo dục tư thục và có yếu tố nước ngoài.

Hà Nội tăng cường quản lý trường tư thục và có yếu tố nước ngoài. (Ảnh minh hoạ)
Hà Nội tăng cường quản lý trường tư thục và có yếu tố nước ngoài. (Ảnh minh hoạ)

Phòng Giáo dục tư thục và có yếu tố nước ngoài trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội được thành lập nhằm tăng cường quản lý các trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài. Hà Nội cũng là một trong số ít các địa phương có phòng quản lý các trường tư thục và trường có yếu tố nước ngoài. Việc tăng cường quản lý các trường tư thục và trường có yếu tố nước ngoài xuất phát từ đòi hỏi thực tế khi mạng lưới các trường này trên địa bàn Thành phố phát triển nhanh, nhu cầu, nguyện vọng học tập của con em nhân dân Thủ đô cũng ngày càng đa dạng.

Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ, Thành phố sẽ đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục tư thục với mục tiêu đạt tỷ lệ 21% số cơ sở và từ 14% đến 16% số học sinh vào năm 2025.

Đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc có số trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo tăng nhanh, phấn đấu số cơ sở giáo dục mầm non tư thục đạt tỷ lệ 30%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 30%.

Đối với giáo dục phổ thông, Thành phố phấn đấu có tỷ lệ cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 13% và số học sinh theo học tại các trường phổ thông tư thục đạt 15%.

Đối với giáo dục đại học, nâng cao quy mô, chất lượng đào tạo của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội thực hiện theo Đề án phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch và đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở đào tạo của trường đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Đối với giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục đạt tỷ lệ 50%.

Để hoàn thành các chỉ tiêu này, Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì triển khai; đồng thời, hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã rà soát, đề xuất nhu cầu đầu tư xây dựng phù hợp với quy định, bảo đảm cân đối phát triển hệ thống trường công lập và tư thục.

Thảo Phạm

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích