Tăng cường phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội lĩnh vực môi trường

Tăng cường phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội lĩnh vực môi trường

MTĐT –  Thứ năm, 08/09/2022 08:55 (GMT+7)

Phát triển kinh tế – xã hội bền vững, trong đó xác định công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về BVMT là nội dung trọng tâm, có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội

Cùng với sự hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế, tuy nhiên, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, cùng với đó là sức ép của sự phát triển kinh tế – xã hội; tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm (ATTP) đã làm cho chất lượng môi trường bị ảnh hưởng nặng nề, nguồn tài nguyên bị suy giảm nghiêm trọng, điều kiện vệ sinh ATTP không đảm bảo, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, hình thành một số điểm nóng về an ninh trật tự (ANTT).

Vì vậy, công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về BVMT có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng và cấp bách, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 6/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an rất coi trọng việc tổ chức lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP), vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Một số kết quả nổi bật trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm về môi trường

Những năm qua, các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, xử lý chất thải rắn nguy hại, nước thải, hóa chất ở các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở y tế, khu đô thị, khu dân cư nông thôn, làng nghề… trên phạm vi cả nước diễn ra phổ biến, làm cho nguồn nước ở nhiều nơi bị ô nhiễm, dần khan hiếm và có nguy cơ mất an ninh, an toàn; môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình trạng hủy hoại rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản, chuyển đổi đất nông nghiệp, lâm nghiệp trái pháp luật; nạn săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã, quý, hiếm làm suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên, một số loài dần cạn kiệt, nguy cơ mất cân bằng sinh thái trên diện rộng; hành vi đưa chất thải vào Việt Nam bằng thủ đoạn trá hình dưới dạng đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, nhập khẩu nguyên liệu để đưa máy móc cũ, lạc hậu, chất thải công nghiệp, nguy hại xuyên quốc gia… tạo ra nguy cơ dịch chuyển ô nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam và phát sinh lượng chất thải, khí thải nguy hại, gây hiệu ứng nhà kính, là tác nhân chính của tình trạng BĐKH, ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về BVMT.

Mặc khác, tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP diễn ra phức tạp, nhất là nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm chứa chất cấm, không đảm bảo an toàn cũng diễn ra thường xuyên… Thực trạng nêu trên không chỉ làm suy giảm chất lượng môi trường, mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như sức khỏe con người, tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với an ninh môi trường Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu bảo đảm an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững của đất nước.

tm-img-alt
Đơn vị nghiệp vụ của Cục Cảnh sát PCTP về môi trường kiểm tra, thu mẫu nước thải của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, ngày 25/11/2021

Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững, trong đó xác định công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về BVMT là nội dung trọng tâm, có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Thực hiện Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 6/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an rất coi trọng việc tổ chức lực lượng đấu tranh PCTP, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP; tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bố trí lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường ở 3 cấp: Cấp Bộ (Cục Cảnh sát PCTP về môi trường); cấp tỉnh (Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường) và cấp huyện (Bộ phận thực hiện chức năng, nhiệm vụ PCTP về môi trường Công an cấp huyện).

Đây là lực lượng nòng cốt trên mặt trận PCTP và các vi phạm pháp luật, đảm bảo ANTT, an toàn xã hội (ATXH) trong lĩnh vực BVMT, tài nguyên, ATTP. Đây cũng là lực lượng tiên phong phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân để hoàn thành tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về môi trường, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự ATXH và bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, quán triệt quan điểm, mục tiêu, đường lối lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác BVMT và bảo đảm ANTT, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường (CAND) đã kịp thời nắm bắt tình hình, thường xuyên nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ, kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến công tác quản lý nhà nước về BVMT, tài nguyên và ATTP.

Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ giữa công tác nghiệp vụ với công tác phòng ngừa xã hội, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về BVMT của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân, qua đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong đấu tranh PCTP, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP; tăng cường biện pháp nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm quy định của pháp luật về môi trường.

Từ năm 2016 – tháng 6/2022, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã phát hiện 156.328 vụ việc vi phạm của 173.010 đối tượng, trong đó khởi tố, đề nghị khởi tố 2.129 vụ, 3.147 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 142.908 vụ, 149.459 đối tượng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 1.976 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTP và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định: Công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường với các ngành chức năng trong việc phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trên một số lĩnh vực, địa bàn chưa kịp thời, có lúc còn bị động trong nhận diện và tổ chức triển khai biện pháp xử lý, ứng phó với những tình huống phức tạp về môi trường; kết quả phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật ở một số lĩnh vực, địa bàn chưa tương xứng với thực trạng tình hình; tỷ lệ xử lý hình sự đối với các vi phạm pháp luật về môi trường còn thấp…

Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho công tác PCTP và vi phạm pháp luật về môi trường nói chung, cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường nói riêng thiếu đồng bộ, chưa cụ thể, chậm được sửa đổi, bổ sung, dẫn đến việc áp dụng vào thực tiễn lúng túng, chưa thực sự hiệu quả; công tác quản lý nhà nước về môi trường, tài nguyên, ATTP còn một số sơ hở, bất cập so với diễn biến tình hình thực tế, trong khi tội phạm ngày càng có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện các mặt công tác PCTP về môi trường

Trong những năm tới, dự báo hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song song với đó là những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường, các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống sẽ tiếp tục gia tăng, trong đó nổi lên là vấn đề an ninh môi trường. Đáng chú ý, một số vấn đề an ninh môi trường có tính chất xuyên quốc gia rất phức tạp, hệ trọng, đòi hỏi các quốc gia phải cùng hợp tác, chia sẻ, nỗ lực tham gia vào các chương trình, kế hoạch, dự án ứng phó với mối đe dọa này.

Dẫn chứng cụ thể, BĐKH, an ninh nguồn nước xuyên biên giới, môi trường biển, vận chuyển chất thải nguy hại xuyên quốc gia, nguy cơ từ các nhà máy điện hạt nhân của một số nước lân cận…

Trong khi đó, ở trong nước, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch ven biển tiềm ẩn những nguy cơ không nhỏ, có thể gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng nếu không thực hiện tốt công tác phòng ngừa, giám sát việc xử lý chất thải; những dự án đầu tư nước ngoài cũng có thể lợi dụng cơ chế mở cửa để nhập khẩu máy móc, công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu, sử dụng năng lượng bị thải loại, đưa rác thải về nước để làm nguyên liệu sản xuất, gây tác động xấu tới môi trường.

Ngoài ra, tình trạng khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản (cát, sỏi, đất, đá) làm vật liệu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư do thiếu hụt nguồn cung vật liệu; quá trình triển khai các hiệp định thương mại tự do đồng thời cũng tạo ra những thách thức không nhỏ trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguy cơ thẩm lậu hàng hóa thực phẩm kém chất lượng vào Việt Nam…

Hơn nữa, trong điều kiện hệ thống pháp luật vẫn đang tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, sẽ có những sơ hở hoặc khoảng trống pháp lý mà các đối tượng lợi dụng thực hiện, che giấu hành vi vi phạm. Thực tế cho thấy, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, xu hướng toàn cầu hóa đan xen lẫn nhau giữa tội phạm truyền thống và phi truyền thống, có yếu tố nước ngoài gia tăng, diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện…

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả trên toàn diện các mặt công tác để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Do vậy, để tăng cường công tác PCTP, bảo đảm ANTT, ATXH trong lĩnh vực môi trường, gắn với việc thực hiện Luật BVMT năm 2020, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an về công tác BVMT, phát triển bền vững và PCTP về môi trường, tài nguyên, ATTP. Tập trung tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo các cấp chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an về đấu tranh PCTP, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTP trong tình hình mới”; Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững; Chiến lược BVMT quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050… gắn với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào công tác phòng ngừa, đấu tranh PCTP và các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP.

tm-img-alt
Cán bộ chiến sỹ Trung tâm Kiểm định môi trường, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường kiểm định mẫu nước thải trên Trạm kiểm định di động

Hai là, tiếp tục tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Luật CAND, Luật BVMT, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các quy định pháp luật liên quan đến công tác PCTP về môi trường. Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu, sơ kết, tổng kết công tác thi hành pháp luật để phát hiện những bất cập, vướng mắc, sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách, pháp luật cũng như công tác quản lý nhà nước để kịp thời tham mưu, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này.

Ba là, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP với tinh thần “lấy chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm” tại Kết luận số 13/KL-TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ, xác định đây là vũ khí sắc bén, là “khâu quyết định” trong công tác PCTP. Trên cơ sở đó, chủ động phát hiện, tổ chức tốt công tác nắm tình hình, kịp thời nhận diện đầy đủ, chính xác những vấn đề mới về tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường để chủ động đưa ra biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả, nhất là các vấn đề môi trường lớn mang tầm quốc gia (ô nhiễm phóng xạ, ô nhiễm không khí, an ninh nguồn nước…), vấn đề đan xen, gắn kết trong hoạt động giữa tội phạm về môi trường với tội phạm kinh tế, công nghệ cao, yếu tố phi truyền thống, yếu tố nước ngoài trong hoạt động của tội phạm về môi trường để tham mưu với lãnh đạo các cấp, nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, ATXH và BVMT, quản lý tài nguyên, ATTP.

Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ với phòng ngừa xã hội thông qua việc thường xuyên thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về BVMT, tài nguyên, ATTP. Chú trọng đa dạng hóa các biện pháp phòng ngừa xã hội, nhất là đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít chất thải, cac-bon thấp; xây dựng và nhân rộng các phong trào, mô hình, điển hình, cách làm hay, sáng tạo về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm và phòng, chống tội phạm.

Bốn là, củng cố, tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong PCTP về môi trường. Thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về môi trường, kiểm lâm, quản lý thị trường, y tế… trong thanh tra, kiểm tra những cơ sở, địa bàn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Phối hợp với các bộ, ban, ngành triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26).

Chủ động nghiên cứu những vấn đề về môi trường trong quan hệ quốc tế; thường xuyên rà soát, phát hiện sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế – xã hội và tham mưu, đề xuất xử lý, ngăn chặn bằng hàng rào xuất nhập khẩu, kỹ thuật, thuế quan… phù hợp với thông lệ quốc tế liên quan đến lĩnh vực môi trường. Tranh thủ sự hỗ trợ về kinh nghiệm, thông tin, kỹ thuật, phương tiện, nguồn lực phục vụ công tác đấu tranh PCTP về môi trường, tài nguyên, ATTP.

Năm là, tăng cường đầu tư, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và bảo đảm ATTP. Đầu tư phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, công nghệ thông tin; nghiên cứu, triển khai các đề án, dự án và huy động tiềm lực khoa học – công nghệ nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường để kịp thời phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP.

Thiếu tướng, TS. Trần Minh Lệ – Cục trưởng
Trung tá, ThS. Ngô Đức Phong – Chuyên viên chính
Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích