Tăng cường năng lực thẩm tra/thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp

Tăng trưởng xanh là xu hướng toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam. Việc Việt Nam đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 là quyết tâm chính trị vì lợi ích quốc gia và vừa sức vươn lên của nền kinh tế Việt Nam.

Để thực hiện chiến lược này trước mắt các tổ chức, doanh nghiệp cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính và để hỗ trợ cho hoạt động này, ngày 9/10, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tổ chức buổi tập huấn “Tăng cường năng lực thẩm tra/thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp”.

Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, bản chất của hoạt động kiểm kê khí nhà kính chính là hoạt động đánh giá sự phù hợp, vì vậy gắn rất sát với khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sẽ bổ sung thêm hai khái niệm là kiểm tra xác nhận và xác nhận giá trị phù hợp, mục đích để phục vụ kiểm kê khí nhà kính. Trong nhiều năm qua, để hỗ trợ doanh nghiệp, Ủy ban TCĐLCLQG đã thành lập tổ công tác về khí nhà kính và thực hiện nhiều hoạt động đào tạo về khí nhà kính.

“Chúng ta nhìn nhận kiểm kê khí nhà kính ở góc độ quản lý chất lượng, vì đây là hoạt động đánh giá sự phù hợp. Con đường tiếp theo của khí nhà kính sẽ là phát triển bền vững (ESG), môi trường, xã hội, quản trị… đây chính là yêu cầu mà COP các nước đang cam kết. Chính vì thế, cần có lộ trình để doanh nghiệp, tổ chức đang áp dụng từ ISO 9000, ISO 14000 đi tiếp lên ISO 14064”, TS. Hiệp nhấn mạnh.

TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia phát biểu tại buổi tập huấn.

Chia sẻ tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Trưởng Ban Quản lý chất lượng và Đánh giá sự phù hợp, Ủy Ban TCĐLCLQG đã có bài Giới thiệu về hạ tầng chất lượng liên quan đến khí nhà kính – các tiêu chuẩn quản lý khí nhà kính. Theo đó, hạ tầng chất lượng liên quan đến khí nhà kính tại Việt Nam tập trung vào các biện pháp đo lường, giám sát, báo cáo, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia. Việt Nam đang phát triển hệ thống toàn diện để quản lý khí nhà kính nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Về khung pháp lý, các quy định và luật pháp quốc gia liên quan đến biến đổi khí hậu, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định, thông tư cụ thể về phát thải khí nhà kính. Về hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn, bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN) và các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14064 về đo lường, báo cáo, thẩm tra phát thải khí nhà kính được áp dụng để tạo ra cơ sở cho việc giảm thiểu phát thải.

Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các phòng thử nghiệm, hệ thống đo lường, kiểm định, các thiết bị công nghệ phục vụ việc giám sát và quản lý khí nhà kính. Các tổ chức thẩm tra và thẩm định, tổ chức được cấp phép thực hiện giám sát và chứng nhận tính hợp lệ của các báo cáo phát thải khí nhà kính từ các tổ chức, doanh nghiệp.

Cũng theo bà Hương, các tiêu chuẩn quốc gia về khí nhà kính bao gồm: Bộ TCVN ISO14060 cung cấp sự rõ ràng và nhất quán cho việc định lượng, giám sát, báo cáo và thẩm tra lượng phát thải và loại bỏ khí nhà kính; TCVN ISO 14080 Quản lý khí nhà kính và các hoạt động liên quan – Khuôn khổ và nguyên tắc cho phương pháp luận về hành động khí hậu; TCVN ISO 14090 Thích ứng với biến đổi khí hậu – Nguyên tắc, yêu cầu và hướng dẫn; TCVN ISO 14040 Quản lý môi trường – Đánh giá vòng đời sản phẩm – Yêu cầu và hướng dẫn; TCVN ISO 14044 Quản lý môi trường – Đánh giá vòng đời của sản phẩm – Nguyên tắc và khuôn khổ.

Nhấn mạnh thách thức đặt ra và định hướng trong thời gian tới, bà Hương đề cập Việt Nam đang đối mặt một số thách thức trong việc xây dựng hạ tầng chất lượng liên quan đến khí nhà kính, bao gồm vđảm bảo tính chính xác, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế của các báo cáo kiểm kê khí nhà kính: các phương pháp kiểm kê khí nhà kính phải phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế; các tổ chức thẩm định và thẩm tra khí nhà kính độc lập hoạt động đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế; cần phải chuẩn hóa năng lực đội ngũ chuyên gia kiểm kê, chuyên gia thẩm tra, thẩm định khí nhà kính. Việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia theo các tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp Việt Nam thực hiện tốt cam kết quốc tế mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bền vững hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Buổi đào tạo thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chia sẻ về thẩm tra báo cáo kiểm kê khí nhà kính tại buổi tập huấn, ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) cho biết, về quy trình thẩm tra/thẩm định theo ISO 14064-3 bao gồm: Bước 1, các yêu cầu trước khi thực hiện; bước 2, lựa chọn người có năng lực thẩm tra; bước 3, lập kế hoạch thẩm tra; bước 4, thực hiện; bước 5, hoàn thành; bước 6, kết luận và dự thảo ý kiến; bước 7, xem xét kết quả độc lập; bước 8, đưa ra ý kiến chính thức.

Về hồ sơ tài liệu cần lưu giữ gồm: Các tài liệu liên quan thẩm tra; Kế hoạch thẩm tra; Kế hoạch thu thập bằng chứng; Người và thời điểm thực hiện thu thập bằng chứng; Các bằng chứng đã thu thập; Các yêu cầu làm rõ, sai sót trọng yếu, sự không phù hợp phát sinh từ kết quả thẩm tra, các kết luận; Các trao đổi về sai sót trọng yếu; Các kết luận, ý kiến thẩm tra; Kết quả soát xét độc lập hoạt động thẩm tra.

Theo ông Dũng, năng lực thẩm tra khí nhà kính của QUACERT được đánh giá thông qua việc chứng nhận các hệ thống quản lý ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001….; Chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn; Chứng nhận sản phẩm hợp quy. Các tiêu chuẩn công nhận như ISO 17029 (thẩm định/thẩm tra) và ISO 14065 (thẩm định/thẩm tra thông tin khí nhà kính); Các tổ chức công nhận như Bureau of Accreditation (BOA) và BoA đã được APAC thừa nhận (IAF); Lĩnh vực xin công nhận của QUACERT là sản xuất chung, sản xuất xi măng, xử lý chất thải.

Ngoài ra, QUACERT còn có các công nhận chương trình khí nhà kính; kết quả kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064-1; báo cáo thẩm tra khí nhà kính theo ISO 14064-1; kết quả định lượng Vết carbon cho sản phẩm; báo cáo thẩm tra vết carbon cho sản phẩm cho các tổ chức và doanh nghiệp.

Liên quan đến những vướng mắc trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính và thẩm tra báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Pháp luật Việt Nam, TS. Lê Hải Hưng – Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ cho biết, đối với doanh nghiệp: Khó khăn do phải đối mặt với cơm áo, gạo tiền; chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của khí nhà kính; chưa sẵn sàng, dẫn tới bị động trước yêu cầu kiểm kê khí nhà kính; Chưa biết (do chưa có) “Chế tài” trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính…

Đối với người tư vấn, thực hiện kiểm kê khí nhà kính: Có thể có khó khăn tiếp cận với các nguồn phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp; Thiếu hệ thống dữ liệu quốc gia về HSPT khí nhà kính của địa phương, doanh nghiệp; Có thể chưa có kỹ năng trong định lượng tình huống phát thải, hấp thụ, bồi hoàn khí nhà kính. Ví dụ: HSPT trong xử lý chất thải, nước thải, sử dụng NLTT, hoạt động có yếu tố KTTH như nguồn điện đồng phát, tái sử dụng nhiệt thừa… Có thể chưa nắm vững phương pháp luận khi định lượng phát thải khí nhà kính; Có thể chưa thành thạo trong tính toán “độ không chắc chắn” khi định lượng phát thải nhà kính, lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính…

Đối với hoạt động Thẩm tra báo cáo kiểm kê khí nhà kính: Chưa thật mạch lạc về vai trò pháp lý của hoạt động thẩm tra báo cáo kiểm kê khí nhà kính: Thông tư 01/2022/TT-BTNMT (Điều 9, 12); ISO 14065: 2011; Lực lượng rất mỏng: 5 tổ chức: Quacert, TUV NORD, SGS, ICB và có thể là BSI, không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn;

Trước những khó khăn, ông Hưng đã đưa ra một vài đề xuất như: Nhà nước phải thiết lập hành lang pháp lý trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính bao gồm đào tạo, tư vấn, thực hiện kiểm kê khí nhà kính, đánh giá, công nhận báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Suy cho cùng, việc kiểm kê khí nhà kính là “cân, đong, đo, đếm khí nhà kính” nên Uỷ ban TCĐLCLQG phải là người “cầm cân nảy mực” xung quanh việc kiểm kê khí nhà kính.

Cụ thể là nghiên cứu, xây dựng, ban hành các tài liệu, quy định, quy chuẩn xung quanh hoạt động kiểm kê khí nhà kính trên cơ sở bộ ISO 14064, các hướng dẫn của IPCC và bám sát các thực tiễn Việt Nam; Tổ chức đào tạo kiểm kê khí nhà kính, Thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính đặc biệt là ISO 14067: 2018 về “Vết carbon”. Chuẩn bị cho việc thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực; Có thể lấy Quacert làm “mô hình” để tiếp tục hoàn thiện hoạt động Thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính trong phạm vi toàn quốc.

Trong khuôn khổ buổi đào tạo, các diễn giả đã có những bài chia sẻ liên quan đến thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại doanh nghiệp do bà Phạm Thị Soan, nhóm Quản lý KNK Công ty Cổ Phần Dây và Cáp điện Taya – CN Hải Dương trình bày; Thực trạng về chất lượng báo cáo kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp trong quá trình thẩm tra độc lập do bà Trần Thị Ngọc Anh – Chuyên gia thẩm tra/thẩm định thông tin KNK- Trung tâm Chứng nhận phù hợp QUACERT trình bày; Kinh nghiệm quốc tế về hoạt động thẩm định/thẩm tra báo cáo kiểm kê KNK do GS. TS. Tuấn Ngô – ĐH Melburne – Úc trình bày; Giới thiệu phần mềm kiểm kê – thẩm tra do STAMEQ thực hiện do PGS.TS Nguyễn Phi Lê – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí thuệ nhân tạo – Đại học Bách khoa (BKAI) trình bày.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích