Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hành vi gian lận về đo lường trong kinh doanh xăng dầu

Hoạt động đo lường có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu trong đời sống kinh tế – xã hội. Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân trong giao dịch kinh tế và dân sự.

Phương tiện đo sử dụng trong kinh doanh xăng dầu (cột đo xăng dầu) thuộc danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải được quản lý, kiểm soát về đo lường, được quy định tại Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo đó, các cột đo xăng dầu nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước phải được phê duyệt mẫu theo quy định và cột đo xăng dầu phải được kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ (12 tháng/lần) và kiểm định sau sửa chữa trong quá trình sử dụng. Việc kiểm định định kỳ hàng năm cột đo xăng dầu nhằm duy trì và đảm bảo độ chính xác của cột đo xăng dầu, đồng thời cũng giúp quản lý, kiểm soát được một số hình thức gian lận, “móc túi” khách hàng như tự ý phá dỡ niêm phong kẹp chì buồng đong (bầu lường), điều chỉnh lại sai số bầu lường; thay thế xung đếm của bộ chuyển đổi; sửa chữa hoặc thay thế IC phần mềm điểu khiển cột đo,…

Theo Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL (Chi cục TCĐLCL tỉnh Tiền Giang), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 619 cửa hàng xăng dầu, sử dụng 2.482 cột đo xăng dầu trong hoạt động mua bán xăng dầu, tất cả cột đo xăng dầu này đã được các tổ chức do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định thực hiện kiểm định theo quy định (quy trình kiểm định cột đo xăng dầu ĐLVN 10 : 2017 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành).

Ảnh minh hoạ.

Trong đó, cột đo xăng dầu nhập khẩu (hiệu Tatsuno, sản xuất từ Nhật Bản) do Công ty cổ phần thiết bị xăng dầu Petrolimex cung cấp với 272 cột đo (chiếm tỷ lệ hơn 10 %) của 50 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu của Petrolimex Tiền Giang và 2.210 cột đo xăng dầu còn lại được sản xuất, lắp ráp trong nước có bộ chỉ thị điện tử được sản xuất trong nước như PNCo, ATC, LQ, KPL,… thuộc các Công ty và doanh nghiệp tư nhân.

Trong quá trình thực hiện kiểm định cột đo xăng dầu trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Trung tâm) phát hiện có một số bộ chỉ thị điện tử cột đo xăng dầu sản xuất trong nước như XTT, PTT,… có dấu hiệu gian lận về số lượng xăng dầu của người mua. Cụ thể, khi tiến hành thực hiện phép đo bằng cách cài đặt trước theo giá trị tiền tương ứng của phím tắt trên bàn phím (F1, F2, F3, F4) thì gây sai số từ + 2 % đến + 5 % (thiếu cho người mua) vượt mức sai số cho phép chỉ là 0,5 %. Tuy nhiên, việc thực hiện kiểm tra sai số của các phím tắt (F1, F2, F3, F4) trên bàn phím của bộ chỉ thị điện tử cột đo xăng dầu chưa được quy định trong quy trình kiểm định cột đo xăng dầu ĐLVN 10 : 2017.

Nguyên do, xuất phát từ thực tế mua bán lẻ xăng dầu trong nước hiện nay là người mua xăng dầu với lượng chẵn tiền (ví dụ 20.000 đồng, 30.000 đồng, 50.000 đồng,…) nên các nhà sản xuất bộ chỉ thị điện tử trong nước thiết kế, cài đặt thêm các phím tắt (F1, F2, F3, F4) trên bàn phím tương ứng theo từng giá trị tiền đã được định trước: 20.000 đồng, 30.000 đồng, 50.000 đồng,… để thuận tiện, dễ thao tác cho người bán hàng.

Từ thực tế quá trình thực hiện kiểm định cột đo xăng dầu trên địa bàn tỉnh nêu trên, nhằm quản lý, kiểm soát sai số về đo lường của cột đo xăng dầu lắp ráp có bộ chỉ thị điện tử sản xuất trong nước, Trung tâm đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khi phê duyệt mẫu bộ chỉ thị điện tử cột đo xăng dầu sản xuất, lắp ráp trong nước phải xem xét đến phần mềm cài đặt của các phím tắt trên bàn phím bộ chỉ thị điện tử.

Hai là, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xem xét sửa đổi, bổ sung quy trình kiểm định cột đo xăng dầu ĐLVN 10 : 2017, thêm các nội dung kiểm tra về sai số đo lường tại vị trí các phím tắt (F1, F2, F3, F4) trên bàn phím bộ chỉ thị điện tử của cột đo xăng dầu.

Ba là, các cơ quan chức năng (Quản lý thị trường, Thanh tra Sở, Chi cục,…) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đo lường cơ sở kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận về đo lường và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích