Tăng cường hợp tác về chứng nhận chuyên gia năng suất quốc tế

Các thành viên cuộc họp gồm thành viên Hội đồng công nhận, ban thư ký công nhận và các chuyên gia kỹ thuật.

Hội nghị đã thảo luận hàng loạt vấn đề nhằm tăng cường năng lực của tổ chức công nhận và các tổ chức chứng nhận, thúc đẩy sự thừa nhận của xã hội, tăng cường hợp tác giữa các thành viên. Hội nghị tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tính độc lập, khách quan trong hoạt động công nhận và chứng nhận chuyên gia năng suất, đồng thời đề ra các biện pháp để tăng cường tính độc lập, khách quan.

Hiện nay, chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất của APO gồm 02 chương trình là chuyên gia năng suất và chuyên gia năng suất xanh. Tuy nhiên, nhu cầu trong lĩnh vực dịch vụ công đang gia tăng nên Hội đồng lên kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực này (chứng nhận chuyên gia năng suất trong lĩnh vực dịch vụ công).

Tại Hội nghị, các tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất đã được công nhận chia sẻ về cơ hội và thách thức, đặc biệt là các biện pháp nhằm thúc đẩy chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất tại các nước thành viên. Các thành viên của Hội đồng đã trao đổi về các kế hoạch và bài học nhằm thúc đẩy phong trào năng suất nói chung, chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất.

Hội nghị đánh giá cao bài học của Việt Nam trong việc đạt được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ đối với phong trào năng suất, được thể hiện đặc biệt thông qua Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 36/QĐ-TTg ngày 10/01/2021) và Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 30/8/2020, được biết đến với tên gọi “Chương trình 1322”).

Hội nghị diễn ra trong không khí cởi mở, xây dựng

Hội nghị đã thống nhất cử Việt Nam làm Trưởng nhóm công tác xây dựng Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả chứng nhận chuyên gia năng suất. Một thỏa thuận như vậy sẽ giúp các chuyên gia năng suất đã được chứng nhận bởi một thành viên có thể được thừa nhận khi hoạt động ở quốc gia thành viên khác, đồng thời cũng giúp hình thành mạng lưới chuyên gia năng suất xuyên quốc gia.

Trước đó, trong phần Khai mạc, Tiến sỹ Indra Pradana Singawinata, Tổng thư ký Tổ chức năng suất châu Á (APO) đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng nhiệm kỳ 2023-2025.

Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất của APO được triển khai từ năm 2018. Đến nay đã có 04 quốc gia thành lập các tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất và được công nhận bởi Tổ chức công nhận của APO gồm Malaysia (MPC-CB), Việt Nam (ViProCB), Indonesia (PCAP) và Mông Cổ (MPO-CB).

Chương trình chứng nhận thực hiện theo tiêu chuẩn APO PS 101 đối với chuyên gia năng suất và APO PS 201 đối với chuyên gia năng suất xanh. Mỗi chương trình có các cấp độ khác nhau như Chuyên gia năng suất (Productivity Specialist), Chuyên gia năng suất cao cấp (Senior Productivity Specialist) và Chuyên gia năng suất đầu ngành (Master Productivity Specialist); Chuyên gia năng suất xanh (Green Productivity Specialist) và Chuyên gia năng suất xanh cao cấp (Senior Green Productivity Specialist).

 Mai Phương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích