Tăng cường hợp tác kỹ thuật, thương mại và đầu tư ngành chăn nuôi bò thịt Việt – Úc

“Hội nghị kỹ thuật Chăn nuôi bò thịt Việt – Úc về tăng cường hợp tác kỹ thuật, thương mại và đầu tư ngành chăn nuôi bò thịt Việt – Úc” (gọi tắt là Hội nghị) diễn ra trong 2 ngày, từ 14 – 15/11/2023 tại Khách sạn Pan Pacific (số 1, đường Thanh Niên, Tây Hồ, Hà Nội) do 3 cơ quan là Đại học Griffith – Úc, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty Tư vấn FocusGroup Go phối hợp tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cùng hơn 100 đại biểu, bao gồm các đại diện từ khối chính phủ, các chuyên gia kỹ thuật; ông Phạm Ngọc Khoan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn, các hiệp hội, doanh nghiệp, các trường đại học và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt của Việt Nam và Úc.

Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ Dự án Hợp tác phát triển thương mại và đổi mới trong lĩnh vực thịt bò và gia súc giữa Úc và Việt Nam do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tài trợ trong khuôn khổ Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.

viet-uc-2
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp bò thịt tại Việt Nam. Theo Thứ trưởng, mặc dù là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về số lượng đầu con và đứng thứ 6 về sản lượng thịt lợn và đạt được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên đối với tiểu ngành chăn nuôi bò thịt Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng cả nước mới đạt 373 nghìn tấn. Tính bình quân cả năm, lượng thịt bò đáp ứng được khoảng 45 – 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại phải nhập khẩu.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tin tưởng, Hội nghị hôm nay kỳ vọng giúp nâng tầm ngành chăn nuôi bò thịt trong nước đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác cùng phát triển giữa hai nước Việt Nam – Úc , đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất – chế biến thực phẩm.

Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Úc tại Việt Nam.
Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Úc tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Úc tại Việt Nam thông tin, thị trường Việt Nam có hơn 100 triệu dân với mức sống ngày càng tăng, đồng thời có nhu cầu cao hơn trong tiêu thụ sản phẩm thịt bò chất lượng. Việt Nam cũng đang nổi lên là một điểm đến du lịch hấp dẫn. Mới đây 4 nhà hàng của Việt Nam đã được nhận sao Michelin – đánh dấu khởi đầu mới của ẩm thực và du lịch Việt. Hy vọng sau sự kiện này, hai nước sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác, nhất là việc trao đổi các kỹ thuật hiện đại của Úc giúp ngành chăn nuôi bò thịt của Việt Nam phát triển hơn nữa. 

Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh: “Hội nghị là sự kiện quan trọng đánh dấu mối quan hệ 50 năm hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Úc trong lĩnh vực nông nghiệp và mở ra giai đoạn 50 năm tiếp theo với quan hệ sâu hơn và bền vững hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cũng theo TS. Nguyễn Anh Phong, mục tiêu chính của Hội nghị nhằm tăng cường đổi mới, hợp tác kỹ thuật, đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Úc trong các lĩnh vực chủ chốt, qua đó cải thiện sự phát triển của ngành chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam.

z4884075911724_143242868341cf7436e2f8beee55f9da
Tiến sĩ Michael Patching – bác sĩ thú y, chuyên gia về phúc lợi động vật và tư vấn thị trường bò thịt châu Á chia sẻ tại hội nghị.

Thông qua các thảo luận trong Hội nghị sẽ là cơ sở giúp hai quốc gia xác định các lĩnh vực, cơ hội để tận dụng thế mạnh và trình độ kỹ thuật của mình nhằm nâng cao năng suất cũng như hiệu quả kinh tế. Đồng thời là nền tảng để xác định cơ hội cho cả hai quốc gia áp dụng và triển khai các công nghệ, thực hành tiên tiến trong ngành bò thịt, đảm bảo ngành này duy trì tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, Hội nghị góp phần tăng cường hợp tác song phương giữa Úc và Việt Nam trong ngành bò thịt bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác giữa các quan chức Chính phủ, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, thúc đẩy các mối quan hệ cùng có lợi, và liên kết sản xuất kinh doanh ngành hàng bò thịt bền vững.

z4884076018301_a8f7ebf7d540c84dd07850098f656de7
Các đại biểu thảo luận về thông điệp chính, cơ hội và các bước tiếp theo của hội thảo.

Ngoài ra, Hội nghị cũng tập trung vào tìm hiểu các thách thức mà ngành bò thịt ở Việt Nam và Úc phải đối mặt, từ đó tìm ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác và đổi mới công nghệ giữa hai nước trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt.

“Hội nghị gồm có 7 phiên với các nội dung: Thực trạng và các ưu tiên ngành chăn nuôi bò thịt, thị trường, tình hình thương mại; Các giải pháp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt; Hệ thống thức ăn thô xanh và vỗ béo có lợi nhuận; Cải thiện giống và di truyền ở Việt Nam; Ứng dụng các phương pháp nhân giống và cải tiến di truyền; Hiện đại hóa hệ thống chế biến, gia tăng giá trị, tính toàn vẹn và thông điệp chính của các bên liên quan và các bước tiếp theo.

z4884075855553_ccdeceeb44dbb82c4dfe73a23df4978d
Ông Greg Butler – chuyên gia trong lĩnh vực thịt đỏ phát biểu tại hội thảo. 

Tại phiên cuối cùng diễn ra vào chiều 15/11 với chủ đề “Hiện đại hóa hệ thống chế biến, gia tăng giá trị và tính toàn vẹn”, ông Greg Butler – chuyên gia trong lĩnh vực thịt đỏ với hơn 20 năm kinh nghiệm tại nhiều thị trường khác nhau trên thế giới đã trình bày nội dung cải thiện chất lượng thịt và tăng giá trị trong chế biến thịt bò. Bằng những phân tích, chứng minh chi tiết thị trường thịt bò tại Việt Nam, ông Greg Butler đã cho thấy những điểm mạnh cũng như điểm yếu tại thị trường bò thịt của Việt Nam và đưa ra “chìa khóa” quyết định chất lượng thịt, để từ đó thấy được tầm quan trọng trong quy trình sản xuất và bảo quản thịt. 

z4884076068966_dbc2a83de79683feb8241cbd888ee5a6
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi phát biểu bế mạc hội thảo. 

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian 2 ngày, tuy nhiên hội thảo đã nhận được đầy đủ những ý kiến đóng góp của các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học về sản xuất chăn nuôi, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, quy định chăn nuôi, chế biến giết mổ… đặc biệt, hội thảo đã đặt ra những vấn đề mà thế giới vô cùng quan tâm như: an ninh lương thực; vấn đề về giảm phát thải ròng bằng 0 (net-zero)… 

Chia sẻ về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, đại diện Cục Chăn nuôi cũng nhấn mạnh: “sản xuất cần phải có lợi nhuận, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan tham gia vào chuỗi sản xuất, kinh doanh đồng thời phải bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội khác”. 

Cũng theo đại diện Cục Chăn nuôi, ngành chăn nuôi Việt Nam hiện đang đối diện với nhiều thách thức nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc tăng cường chăn nuôi bền vững, đảm bảo phúc lợi động vật đóng vai trò quan trọng trong nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Theo đó, tại Việt Nam, vấn đề về phúc lợi động vật cũng đã được đưa vào luật và đang tiến tới xây dựng các văn bản để áp dụng Luật Phúc lợi động vật trong chăn nuôi.

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Phạm Kim Đăng cũng bày tỏ mong muốn xây dựng mô hình minh bạch hóa thông tin chăn nuôi Việt – Úc tại Việt Nam (bắt đầu từ nguồn cung cấp của Úc) cũng như mô hình vỗ béo, mô hình bắt đầu nuôi bò thịt tại Việt Nam có tiếng Úc, thương hiệu Úc mà vẫn đảm bảo đầy đủ theo định lý phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải và đảm bảo về mặt chất lượng.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích