Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình năng suất xanh
Năng suất xanh hay còn gọi là Green Productivity là khái niệm do Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đưa ra từ năm 1994. Đây là chiến lược nhằm nâng cao năng suất và hoạt động môi trường để phát triển kinh tế – xã hội, góp phần cải thiện bền vững chất lượng cuộc sống con người. Thay vì chỉ tập trung vào việc tăng sản lượng, năng suất xanh hướng đến tối ưu hóa quá trình sản xuất để vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Áp dụng năng suất xanh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi loại bỏ các lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí sản xuất và vận hành, tạo ra sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường; nâng cao hình ảnh công ty trong mắt khách hàng, đối tác và các bên liên quan với tư cách là một doanh nghiệp tiến bộ và có trách nhiệm với cộng đồng;…
Tại Việt Nam, từ năm 1998, các mô hình về năng suất xanh đã được triển khai tại cộng đồng ở 20 địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ đã giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về khái niệm, cách tiếp cận và biết cách dùng các công cụ phân tích đánh giá vấn đề, đưa ra lựa chọn ưu tiên.
Nhiều doanh nghiệp sau đó đã tiến hành chuyển đổi sang mô hình năng suất xanh khi nhận thấy lợi ích bền vững từ mô hình này. Ví dụ như tại Công ty TNHH Rau Quả Hùng Hậu, việc áp dụng năng suất xanh đã giúp lượng nước và điện tiêu thụ giảm đến 15%, tiết kiệm từ 33 – 46% lượng phế phẩm, lượng chất thải và chi phí xử lý chất thải giảm đến 10%, năng suất của công nhân tăng lên nhờ vậy mà thời gian làm việc của công nhân tại các công đoạn giảm 16,67%.
Hay tại Công ty Cổ phần Giấy Hiệp Thành, sau khi áp dụng mô hình năng suất xanh đã giúp doanh nghiệp tiết giảm 4% lượng phế phẩm giấy nguyên liệu đầu vào trung bình sản xuất hàng tháng. Lợi ích từ việc tiết kiệm chi phí sản xuất và vận hành doanh nghiệp cũng được thể hiện qua việc công ty này đã giảm chi phí điện năng tiêu thụ, vỏ điều sử dụng tại khu vực lò hơi gần 140 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Miza cho biết, doanh nghiệp rất mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý trong nước cũng như tổ chức quốc tế để có thể áp dụng mô hình năng suất xanh trong sản xuất.
Trước tiên là vấn đề hoàn thiện khung pháp lý, ông Tú cho rằng cần ban hành các chính sách, quy định rõ ràng về bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch; Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất xanh, sản phẩm xanh;
Thứ hai là vấn đề tăng cường hỗ trợ tài chính, cần cấp các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư vào năng suất xanh; Đưa ra các chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch…
Thứ ba là cần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp bằng việc tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo về năng suất xanh, chuyển giao công nghệ; Xây dựng các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp thông tin, tư vấn về năng suất xanh. Các tổ chức quốc tế tạo điều kiện về nguồn vốn ODA cho doanh nghiệp có dự án năng suất xanh. Tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam kết nối với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế khác. Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm xanh;…
Thanh Tùng