Tăng cường hiệu quả chính sách đổi mới sáng tạo: Kinh nghiệm của Úc và đề xuất cho Việt Nam
Tham dự Hội nghị có Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp, TS. Phạm Thu Hiền – Chuyên gia Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ Úc (CSIRO), cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp cho biết, đổi mới sáng tạo là một vấn đề mới, thực tiễn cho thấy trong công việc hàng ngày của chúng ta mọi hoạt động đều có thể trở thành đổi mới sáng tạo, và nếu biết cách thức quản lý thì những sản phẩm của đổi mới sáng tạo có thể trở thành giá trị. Cũng theo ISO hai đặc tính của đổi mới sáng tạo chính là tính mới và tính giá trị. Với định nghĩa như vậy có thể thấy rất nhiều vấn đề được xem là sản phẩm của đổi mới sáng tạo.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp.
Tại Hội nghị, TS. Phạm Thu Hiền đã có phần trình bày về Chính sách khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (STI) hướng đến sự phát triển bền vững – Thách thức trong việc đánh giá. Theo TS. Hiền, trong năm 2021, Data61 có xây dựng báo cáo về 6 xu hướng chính của thế giới, trong đó nổi bật không chỉ là vai trò của công nghệ mới mà hàng loạt vấn đề về môi trường, xã hội, chuyển dịch địa chính trị mà thế giới đang phải đối mặt.
Theo dự báo của OECD về tăng trưởng cũng như tác động biến đổi khí hậu tới nền kinh tế các khu vực và khu vực Đông Nam Á cũng như các nước ngoài OECD được cho là chịu tác động lớn nhất về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là vấn đề về bất bình đẳng giữa các vùng miền, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên,…
Rõ ràng là cần có sự phối kết hợp ở mỗi quốc gia để có thể giải quyết các vấn đề này và chính sách ĐMST là cấu phần quan trọng giúp Chính phủ giải quyết các thách thức này.
Bên cạnh đó là những thách thức đặt ra từ phía các thị trường nhập khẩu, một câu chuyện đang nóng là cơ chế điều chỉnh carbon biên giới CBAM. Hiện tại EU sẽ chỉ áp dụng CBAM đối với nhập khẩu xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, điện và hydro. Các nhà nhập khẩu những hàng hóa đó của EU sẽ phải báo cáo về khối lượng nhập khẩu và lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, nhưng không phải trả bất kỳ khoản phí nào ở giai đoạn này. Các nhà nhập khẩu được yêu cầu thu thập dữ liệu của quý IV-2023 và nộp báo cáo đầu tiên trước ngày 31-1-2024.
Giai đoạn chuyển tiếp là giai đoạn làm quen của tất cả các bên liên quan, bao gồm nhà nhập khẩu, nhà sản xuất và cơ quan chức năng. Giai đoạn này cho phép Ủy ban châu Âu (EC) thu thập thông tin về lượng khí thải tạo ra đối với hàng hóa nhập khẩu để chuẩn bị cho giai đoạn chính thức áp dụng CBAM, dự kiến bắt đầu vào năm 2026. Khi đó, các nhà nhập khẩu sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải CBAM” theo mức giá carbon hiện hành tại EU, nếu lượng khí thải của hàng hóa nhập khẩu vượt quá tiêu chuẩn của khối.
EU phân loại hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm: Hàng hóa đơn giản và hàng hóa phức tạp. Hàng hóa phức tạp sẽ tính toán cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào. Như vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức rằng, phát thải được tính cho hàng hóa không chỉ đơn giản phát sinh trong quá trình sản xuất, mà còn cả từ nguyên liệu, nghĩa là các doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết về hàng hóa đầu vào.
TS Phạm Thu Hiền – Chuyên gia Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ Úc (CSIRO) trình bày tại Hội nghị.
Cũng theo TS. Hiền, chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục nhưng đã đổi khác. Hồi tháng 2, Chỉ số Áp lực Chuỗi cung ứng Toàn cầu (GSCPI) do Fed New York công bố đã giảm xuống mức trước đại dịch. Đến tháng 3, chỉ số này thậm chí xuống dưới mức trung bình trong lịch sử 25 năm theo dõi. GSCPI được tính toán dựa trên dữ liệu ngành sản xuất và vận tải, nhằm đưa ra cái nhìn tổng quan về khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng điều này không có nghĩa các công ty đang quay trở lại chuỗi cung ứng trước đây. Những trải nghiệm trong đại dịch cùng biến động địa chính trị đang tạo ra thay đổi lớn hơn, dài hạn hơn trong chuỗi cung ứng.
Về chính sách ĐMST có thể hiểu là các công cụ của nhà nước nhằm giúp hệ thống ĐSMT thực hiện chức năng của mình. Vậy có thể hiểu chức năng của hệ thống ĐMST đó là năng lực phát triển tri thức, kinh nghiệm truyền bá tri thức đó đến với các đối tượng sản xuất, sử dụng nguồn lực; khái niệm tiếp nhận và đáp ứng các nhu cầu phát triển từ đó định hướng nghiên cứu, phát triển thị trường; khả năng tạo ra các mạng lưới hợp tác liên kết để từ đó lan tỏa, tái sử dụng công nghệ.
Bên cạnh đó, với những thách thức như đã nêu ở trên thì chức năng của các hệ thống ĐMST hiện nay cần thêm chức năng nữa, đó là hướng tới giải quyết các vấn đề môi trường, xã hội các mục tiêu về phát triển bền vững cũng như phát triển toàn diện.
Theo Schot and steinmwell, có thể chia các chính sách ĐMST ra thành 3 cách tiếp cận chính: các chính sách tập trung vào phát triển KHCN thông qua hoạt động R&D, chính sách phát triển hệ thống ĐMST và chính sách ĐMST chuyển đổi.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Theo TS. Hiền, ở Úc, việc xây dựng các chính sách ĐMST chuyển đổi cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm, tuy nhiên rất nhiều chương trình lớn của Chính phủ cũng bắt đầu đi theo hướng này. Một ví dụ là các chương trình hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 đến năm 2050, mục tiêu là thông qua khoản đầu tư hơn 20 tỷ USD cho công nghiệp giảm thải đến năm 2030 thu hút được tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ Úc luôn tích cực và chủ động trong việc đánh giá các chính sách ĐMST.
Do tính đa dạng của chính sách ĐMST, ngày các nhiều nước quan tâm tới việc kiểm soát đánh giá hiệu quả cũng như thông qua hoạt động đánh giá để đưa ra.
Tại Hội nghị đã diễn ra phần trao đổi, thảo luận, hỏi đáp vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế giữa các đơn vị thuộc Tổng cục và chuyên gia.
Hà My